***
Đảo Janus Rock là một dặm vuông xanh biếc, đủ cỏ để nuôi mấy con
cừu, con dê và một đàn gà, thêm lớp đất mặt chỉ vừa trồng ít rau củ sơ sài.
Trên đảo không có cây cối gì trừ hai cây thông Norfolk cao sừng sững, do
đội xây dựng hải đăng từ Mũi Partageuse đưa ra đảo trồng đã hơn ba mươi
năm trước, hồi 1889. Mấy ngôi mộ quây quần bên nhau trên đảo là nơi yên
nghỉ của nạn nhân vụ đắm tàu khá lâu trước khi có hải đăng. Con tàu Pride
of Birmingham từng đâm sầm vào bãi đá hung dữ ngay giữa thanh thiên
bạch nhật. Sau đó người ta mang đèn biển từ tận Anh quốc ra đảo, cũng đi
trên một con tàu giống như vậy. Đèn hiệu Chance Brothers hẳn hoi – nhãn
hiệu tối tân thời bấy giờ. Đèn đó thì ở đâu cũng lắp được, cho dù xa xôi
hiểm trở đến mấy.
Dòng hải lưu cuốn vào đảo đủ thể loại hầm bà lằng: Đồ tạp nham trôi
xoắn xít như mắc vào chân vịt; mấy mảnh tàu vỡ, những chiếc rương trà,
đám xương cá voi. Tất cả thủng thẳng dạt lên đảo, mỗi món một kiểu dạt
trôi. Trạm đèn đứng sừng sững ngay giữa đảo. Nhà ở của người gác đèn và
đám nhà phụ nép vào trạm đèn, né gió quật đã mấy chục năm.
Trong bếp Isabel ngồi bên chiếc bàn cũ, tay vẫn ôm đứa nhỏ mới được
bọc lại trong chiếc chăn lông vàng mềm mại. Tom chậm rãi dụi đế ủng lên
tấm chùi chân. Anh bước vào bếp và đặt bàn tay chai sạn lên vai cô. “Vừa
che xong cho ông ấy. Tội quá. Đứa nhỏ sao rồi?”
“Là con gái,” Isabel vừa nói vừa mỉm cười. “Mới tắm xong. Thấy cũng
cứng cáp.”
Đứa bé quay nhìn Tom, mắt mở to, tò mò. “Không biết nó đang nghĩ gì
nhỉ?” Tom buột miệng.