nghiệp của Garstone sẽ bình luận rằng. “Tội nghiệp thật. Ai mà biết rồi sẽ
như vậy…” rồi anh ta cũng lắc đầu, và tiếp tục với mớ giấy tờ. Mỗi ngày cô
lại đi đến một bãi biển khác, cố tìm kiếm một dấu hiệu, một manh mối nào
đó – mấy mẩu gỗ dạt, một thanh sắt từ cọc chèo.
Rồi cô rút ra từ trong túi áo thư gửi cho chồng và con gái. Đôi khi cô còn
gởi kèm mấy thứ khác - một bài báo về gánh xiếc sắp đến thị trấn, một bài
đồng dao tự cô viết tay và tô màu trang trí. Cô thả bức thư theo sóng biển,
hy vọng rằng khi dòng mực nhòa thấm qua phong thư, ở nơi nào đó, ở đại
dương nào đó, dòng thư sẽ đến được với người thương.
Trên đường về cô thường ghé qua nhà thờ, ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối,
ngay cạnh tượng thánh Jude. Đôi khi cô nán lại tới lúc cây bạch đàn marri
đổ bóng lênh khênh xuống kính màu trên cửa sổ nhà thờ, rồi cây nến trong
tay cô chỉ còn là những bãi sáp nhỏ nguội lạnh. Nơi đây, theo cách nào đó,
Frank và Grace vẫn tồn tại, miễn là cô cứ ngồi khuất trong bóng tối. Khi
không còn né tránh được nữa, cô đi về nhà, chỉ mở hòm thư khi cô cảm
thấy đủ mạnh mẽ để đối mặt với sự thất vọng khi nó trống trơn.
Trong hai năm cô đã viết thư cho mọi nơi mình có thể nghĩ đến – bệnh
viện, cảng vụ, các đoàn truyền giáo vượt biển: bất kỳ ai có thể từng nghe
thấy gì đó – nhưng cô chỉ nhận được những lời hứa lịch sự rằng họ sẽ báo
cho cô biết ngay nếu có tin tức gì của chồng và con gái cô.
Sáng tháng Giêng hôm đó trời nóng nực, mấy con chim ác là hót như
thác đổ – những thanh âm vỡ toang ra trên hàng cây bạch đàn dưới bầu trời
xanh ngắt như nhuộm. Hannah thơ thẩn đi từ hiên nhà phía trước xuống lối
mòn lát đá, cứ như đang mộng mị. Đã từ lâu cô không còn để ý đến đám
hoa dành dành, hoa nhài vẫn thả hương ngọt ngào, êm dịu như muốn vỗ về.
Hòm thư bằng sắt đã gỉ phát ra tiếng cót két khi cô cố mở nắp – đến hòm
thư cũng mệt mỏi, không muốn động đậy, như cô vậy. Bên trong là một
mẩu giấy trắng. Cô chớp mắt. Một bức thư.