con. Bà gởi đám con đi đến các gia đình họ hàng quanh London, ở đợ kiếm
miếng ăn. Nhưng đứa con út thì quá nhỏ, chưa làm được gì, chỉ là tốn của
nuôi, vậy là đường cùng bà xin cho nó một suất đi miền Tây Australia, một
thân một mình.
Hàng chục năm sau Septimus hay nói rằng thứ trải nghiệm đó hoặc là
đẩy ta tới gần cái chết, hoặc là khiến ta thêm sống dữ dội, rồi ông cho rằng
sớm muộn gì mà chẳng chết. Vậy là khi một bà mập mạp, da cháy nắng từ
Đoàn truyền giáo vượt biển đến đón cậu bé Septimus, rồi gởi cậu đến một
“nhà đàng hoàng” ở miền Tây Nam, cậu cứ vậy mà đi không một lời càm
ràm hay thắc mắc. Mà có nói thì cũng có ai nghe? Cậu bắt đầu cuộc sống
mới với vợ chồng người làm nghề nhổ cây gỗ đàn hương, Walt và Sarah
Flindell ở Kojonup, một thị trấn ở rìa phía đông xứ Mũi. Nhà Flindell là
người tốt, nhưng cũng khôn ngoan vừa đủ để biết rằng gỗ đàn hương rất
nhẹ, tới đứa trẻ con cũng có thể khiêng vác được, vậy là họ nhận lời nuôi
cậu bé Septimus. Với Septimus, sau thời gian ở trên tàu, giờ đâu có được
sàn nhà đứng yên một chỗ và những người không ghét bỏ miếng ăn của
mình thì thấy thực chẳng khác gì thiêng đàng.
Septimus dần quen với xứ sở mới, nơi cậu được gởi đến như một gói bưu
kiện không để địa chỉ, rồi dần cảm mến Walt và Sarah, cảm mến cung cách
chân chất của hai người. Căn nhà nhỏ trên mảnh đất vỡ hoang nơi họ ở
không có cửa sổ lắp kính, cũng không có nước máy, nhưng những ngày xa
xưa đó, dường như khi nào họ cũng thu vén được đủ đầy.
Cuối cùng khi thứ gỗ đàn hương quý mà có lúc từng đắt hơn cả vàng
cũng cạn kiệt vì khai thác quá mức, Walt và Septimus chuyển sang làm ở
những xưởng cưa gỗ mới mở ở xứ Mũi. Nhờ có các hải đăng mới được
dựng dọc theo bờ biển mà việc buôn bán đường biển từ chỗ chỉ là một canh
bạc may rủi chuyển thành một thứ rủi ro thương mại có thể chấp nhận
được. Đường sắt và cầu tàu xuất hiện, cho phép người ta đốn rừng lấy gỗ,
chở đi bất kỳ nơi nào trên thế giới từ ngay tại chỗ.