cuộc đời khác. Hannah Roennfeldt đang ngồi đó. Im lặng kéo dài. Người ta
bắt đầu hắng giọng thiếu kiên nhẫn, có người trở mình trên ghế.
“Hải đăng Janus do những người rất giỏi giang thiết kế ra,” anh nói, “và
được những người vô cùng dũng cảm xây lên. Tôi chỉ biết cố gắng cho
xứng với họ. Giữ cho đèn thắp mãi.” Anh bám vào những chi tiết kỹ thuật,
thực tế, những thứ anh có thể nói đến mà không phải suy nghĩ. “Người ta
nghĩ hẳn ngọn đèn phải lớn lắm, nhưng không phải vậy – nguồn sáng có
được từ một ngọn lửa đốt bằng hơi dầu trong đèn măng-sông cực sáng.
Nguồn sáng được khuếch đại và dẫn qua một bộ lăng kính cao chừng ba
thước sáu, gọi là thấu kính Fresnel bậc một, có tác dụng uốn cong ánh sáng
thành chùm sáng cực mạnh, khiến ta có thể thấy được từ cách ba mươi
dặm. Thật kỳ diệu vì một ngọn lửa nhỏ đến vậy mà trở nên thật mạnh, đứng
cách hàng dặm vẫn thấy được… Công việc của tôi… việc tôi làm chỉ đơn
giản là giữ cho nó sạch sẽ. Giữ cho đèn quay. Janus như một thế giới khác
ở ngoài kia, cứ như theo một khung thời gian khác vậy: chẳng có gì thay
đổi trừ bốn mùa đi qua. Dọc bờ biển Australia có đến hàng tá hải đăng như
thế: có rất nhiều người làm việc như tôi, cố giữ an toàn cho tàu thuyền, giữ
ngọn đèn sáng cho những người cần đến nó, mặc dù chúng tôi chẳng bao
giờ thấy mặt hay biết được họ là ai. Thực tôi cũng không biết nói gì thêm
nữa. Có lẽ trừ chuyện ta không biết được thủy triều sẽ mang vào đảo những
gì mỗi ngày – hết thảy những món dạt trôi mà hai đại dương xô đẩy lên
đảo.” Anh thấy ông Thị trưởng đang nhìn đồng hồ trong túi. “Có lẽ quý vị
cũng khát nước lắm rồi: trời nực quá. Cảm ơn,” anh kết thúc bài nói
chuyện, đột ngột quay ngồi xuống ghế. Khá giả hơi bị hẫng, vỗ tay chừng
mực.
“Anh không sao chứ?” Ralph thì thầm hỏi. “Trông anh hơi tái.”
“Cháu không thích mấy vụ bất ngờ này lắm,” Tom chỉ nói vậy.