Chương 2
Mũi Partageuse được các nhà thám hiểm người Pháp đặt tên khi vẽ bản
đồ vùng đất nhô ra từ góc phía tây nam của phần lục địa Úc Châu, khá lâu
trước khi người Anh đổ bộ chiếm đất này làm thuộc địa năm 1826. Di dân
dần dần kéo đến, phía bắc từ Albany, phía nam từ Swan River Colony, định
cư trên những cánh rừng hoang sơ trải dài hàng trăm dặm giữa hai xứ đó.
Người ta dùng cưa tay để đốn những cái cây cao như tháp nhà thờ rồi san
mặt đất thành đồng cỏ nuôi bò. Di dân nước da còn xanh tái cùng với
những đàn ngựa thồ chặt cây mở đường, nhẫn nại lấn từng tấc đất khó
nhọc. Mảnh đất trước đó còn chưa từng có dấu người, giờ đây bị cào xới, bị
đốt trụi, rồi đo đạc vẽ vời bởi bàn tay của những kẻ bỏ xứ, đi thử vận may ở
một phương trời xa lạ, vừa sợ bỏ mạng vừa mơ đổi đời sung sướng.
Người Partageuse cùng nhau trôi dạt như bụi trong gió, cuối cùng cắm rễ
ở nơi hai đại dương gặp nhau bởi có dòng nước ngọt, hải cảng tự nhiên và
đất đai màu mỡ. Cảng ở đây chẳng bì được với Albany nhưng cũng tiện lợi
cho dân địa phương vận chuyển gỗ súc, gỗ đàn hương hay thịt bò. Những
cơ sở kinh doanh nhỏ mọc ra, rồi bám lại như địa y trên mặt đá núi. Dần
dần thị trấn có trường học, vài nhà thờ mỗi cái một vẻ, hát những bài thánh
ca cũng không giống nhau, rồi thêm mấy căn nhà gạch đá kiên cố cùng với
rất nhiều nhà ván tấm lợp tôn. Rồi có thêm của hiệu, tòa thị chính, có cả
một nhà phân phối nông cụ Dalgety. Và tửu quán. Rất nhiều tửu quán.
Từ thuở ban đầu, người Partageuse đã có một thứ niềm tin thầm lặng
rằng “thời sự” chỉ diễn ra ở nơi nào khác. Tin tức từ thế giới bên ngoài nhỏ
giọt vào Partageuse, như nước mưa đọng trên cây rả rích rơi xuống, thi
thoảng rộ lên tin vặt chỗ này, đồn đại chỗ kia. Năm 1890 thị trấn được lắp
đường dây điện báo, khiến mọi thứ cũng mau mắn hơn một chút. Rồi thêm