mắng và có khi làm họ phải khóc lóc giờ đây... chẳng còn nữa. Partageuse
hòa vào thế giới rộng lớn bên ngoài, trong một cơn vượt cạn đau đớn.
Đương nhiên, chuyện mất con cũng là một phần của cuộc sống mà nhiều
người phải kinh qua. Chẳng có gì đảm bảo rằng bào thai có thể sống từ chỗ
tượng hình cho tới khi được sinh ra, hoặc cứ sinh ra là sẽ cứng cáp mà lớn
lên. Tạo hóa chỉ cho phép những kẻ khỏe mạnh và may mắn được dự phần
ở cái thiên đường chớm nở này. Cứ nhìn vào bìa trong của cuốn Kinh thánh
ở mỗi nhà là thấy ngay. Nghĩa trang kể lại câu chuyện của những em bé bị
rắn cắn, bị ngã xe ngựa, không còn khóc nữa, ngủ yên mãi, như thể cuối
cùng cũng chịu nghe lời mẹ dỗ dành “cái ngủ mày ngủ cho ngoan”. Bọn trẻ
con sống sót dần quen với việc dọn bàn ăn khuyết đi một chỗ, cũng như
từng quen với chuyện phải nhích dọc theo băng ghế khi có thêm đứa em
nữa. Như cánh đồng lúa mì, không phải hạt nào gieo xuống cũng đến ngày
gặt hái, Chúa thi thoảng lại ban phát con trẻ, rồi lại mang chúng đi, theo
một thứ lịch thần bí, không ai hiểu nổi. Nghĩa trang thị trấn luôn ghi lại
trung thực điều đó, những tấm bia mộ nằm trơ trọi như những chiếc răng
lỏng lẻo, cáu ghét, thật thà kể lại câu chuyện của những kẻ yểu mệnh vì
cúm, vì chết đuối, vì gỗ đè và cả sét đánh. Nhưng đến năm 1915 chúng bắt
đầu nói dối. Đàn ông trai tráng khắp xứ chết như ngả rạ, nhưng nghĩa trang
vẫn lặng thinh không kể gì nữa.
Sự thật là thân xác họ bị vùi dưới bùn đất nơi xa xôi. Nhà chức trách làm
mọi thứ có thể: Khi điều kiện và lịch hành quân cho phép, họ đào huyệt;
khi có thể nhặt được tứ chi, gom góp cho đủ một con người, họ sẽ cố hết
sức mà làm vậy, rồi chôn cất có nghi lễ nọ kia. Tất cả đều được ghi lại. Sau
đó người ta chụp ảnh ngôi mộ. Với 2 bảng 1 shilling 6 xu, gia đình có thể
đặt thêm một tấm bia tưởng niệm. Về sau nữa các đài tưởng niệm mọc lên
ở khắp nơi nhưng không phải để ghi nhớ sự mất mát, mà chỉ nhắc đến vinh
quang và chiến thắng. “Chiến thắng mà chết chóc” ai đó lầm bầm, “là một
thứ chiến thắng nghèo nàn.”