giờ chứng minh được ‘ý định tước đứa bé từ cha mẹ’ bởi vì ta có thể nói
rằng anh thực tâm tin rằng cha mẹ đứa bé đã chết. Vậy nên tôi nghĩ anh sẽ
thoát tội đó. Thêm nữa anh còn có công trong chiến tranh, từng được tặng
thưởng Huy chương Chữ thập hai lần. Hầu hết các hội đồng xét xử sẽ nhẹ
tay với người đã từng đem tính mạng ra bảo vệ đất nước, rồi lại không hề
có tiền án gì cả”.
Gương mặt Tom giãn ra, nhưng vẻ mặt ông luật sư lại thay đổi, ông ta
nói tiếp, “Nhưng cái họ không ưa ở đây, Sherbourn à, là một kẻ dối trá.
Thực tế là họ ghét tội này đến nỗi hình phạt cho tội khai man là bảy năm
lao động công ích. Nếu kẻ nói dối bao che cho thủ phạm thực sự thì tội
được tính thành làm sai lệch quá trình thực thi công lý, như vậy là thêm bảy
năm nữa. Anh hiểu ý tôi không?”
Tom nhìn ông luật sự.
“Mục đích của pháp luật là không để thoát tội. Các vị thẩm phán rất kỹ
chuyện đó”. Ông luật sư đứng dậy, bước tới cửa sổ, nhìn qua song cửa sắt
ra hàng cây phía xa. “Nhưng giờ nếu tôi bước ra tòa, rồi kể câu chuyện một
người đàn bà tội nghiệp, đau khổ vì đứa con đẻ non – đến gần loạn trí,
không phân biệt đúng sai – rồi tôi kể câu chuyện về chồng của cô ta, một
người tử tế, luôn làm tròn phận sự, nhưng chỉ duy một lần, vì vợ mình mà
lấy trái tim đặt lên đầu, nhắm mắt làm theo lời cô ấy… Tôi nghĩ thẩm phán
sẽ thấy thuyết phục. Bồi thẩm đoàn cũng sẽ bị thuyết phục. Tòa án có cái
quyền cho người ta hưởng lượng khoan hồng – có quyền áp hình phạt nhẹ
hơn, cho cả người vợ nữa. Nhưng hiện tại, thân chủ của tôi tự nhận không
chỉ là kẻ dối trá mà còn là một tay vũ phu. Hình như chỉ vì sợ người đời
đàm tiếu về bản lĩnh đàn ông của mình mà anh ta quyết giữ lấy một đứa bé
nhỏ xíu, rồi ép buộc vợ phải nói dối.”
Tom ngồi thẳng dậy. “Tôi đã khai đủ rồi.”