mặc dù có ca cẩm kiểu gì thì cũng không bao giờ chịu để đèn trống. Tôi
cũng phải nói trước với anh, Neville Whittnish đó lầm lì như xác chết,
chẳng chịu nói năng gì đâu.”
Cầu tàu dài cũng phải tới ba chục mét, được dựng cao để chống đỡ thủy
triều và những cơn bão dữ. Bộ ròng rọc vừa được kéo lên, sẵn sàng để móc
hàng tiếp tế kéo lên dãy nhà kho ngoài trời. Một người đàn ông khắc khổ,
thô tháp, chừng ngoại lục tuần đứng sẵn chờ tàu.
“Ralph. Bluey,” ông ta nói, gật đầu chiếu lệ. Ông ta chào Tom, “Hẳn anh
là người đổi gác.”
“Tom Sherbourne. Hân hạnh gặp ông,” Tom đáp, đưa tay ra phía trước.
Người đàn ông nhìn bàn tay, ngơ ngác một lúc mới nhận ra ý nghĩa của
cử chỉ đó. Ông ta nắm lấy bàn tay Tom giật mạnh một cái, như thể thử xem
cánh tay có rớt ra không. “Đi lối này,” ông ta lên tiếng, rồi không chờ Tom
thu nhặt đồ đạc, ông ta lê bước về phía trạm đèn. Khi đó mới qua trưa, sau
nhiều tiếng lênh đênh trên biển, cũng phải một lúc sau Tom mới lấy lại
thăng bằng trên mặt đất. Anh nhặt túi xách rồi lảo đảo đi theo người giữ
đèn trong khi Ralph và Bluey chuẩn bị dỡ đồ tiếp tế.
“Đây là nhà ở của người gác đèn,” Whittnish nói khi cả hai đến gần một
căn nhà thấp lợp tôn lượn sóng. Đằng sau nhà là ba bể nước mưa lớn, kế đó
là dãy nhà kho ngoài trời cất giữ đồ đạc cho cả căn nhà ở và trạm đèn.
“Anh cứ để túi ở phòng trước,” ông ta vừa nói vừa mở của. “Còn phải đi
xem nhiều thứ lắm.” Whittnish quay gót lại, đi thẳng về phía tháp đèn. Có
tuổi nhưng ông đi đứng khá nhanh nhẹn.
Lát sau, khi nói về hải đăng, giọng ông ta thay đổi hẳn, như thể đang nói
về một con chó trung thành hay loài hoa hồng yêu thích vậy. “Đẹp thật,
chừng đó năm rồi,” ông nói. Tháp đèn bằng đá trắng đứng dựa lên nền trời