con cái chúng ta, giả sử là ở tuổi thanh niên, giả sử là bắt đầu biết suy xét
hay không? Không, không thể được, và chúng ta sẽ không đòi hỏi chúng
đừng suy xét, điều đó không thể được! Bề ngoài của ông bố không xứng
đáng, đặc biệt là so với những ông bố khác xứng đáng của những đứa khác
cùng tuổi bất giác gợi cho thanh niên những câu hỏi khổ ải. Người ta sẽ trả
lời những câu hỏi ấy một cách khuôn sáo: "Ông già sinh ra anh, anh là máu
của ông ta, vì thế anh phải yêu ông ta". Chàng thanh niên bất giác nghĩ
ngợi: "Ông ấy có yêu tôi khi sinh ra tôi không, - anh ta tự hỏi, ngày càng
ngạc nhiên hơn. - chẳng lẽ ông ấy sinh ra tôi là vì tôi ư: ông ấy không biết
tôi, thậm chí không biết tôi là nam hay nữ vào lúc lửa dục bốc lên, có lẽ do
rượu kích thích, có lẽ ông ấy chỉ truyền cho tôi lòng ham thích say sưa, đấy
là tất cả ân huệ của ông ấy… Việc gì tôi phải yêu ông ấy, chỉ vì ông ấy đã
sinh ra tôi mà suốt đời tôi phải yêu ông ấy?" Ồ có lẽ các vị thấy những câu
hỏi ấy là thô lỗ, tàn bạo, nhưng đừng đòi hỏi trí tuệ trẻ tuổi phải tránh né
cái không thể tránh né được: "Đuổi thiên nhiên ra qua cửa lớn, nó sẽ vào
cửa sổ" cái chính là chúng ta sẽ không sợ "kim loại" và "lưu huỳnh nóng"
và giải quyết vấn đề theo lẽ phải và lòng yêu người, chứ không theo những
khái niệm thần bí. Giải quyết nó như thế nào? Như thế này: hãy để con trai
đứng trước cha và hỏi cha: "Cha ơi, hãy nói cho con biết: vì lẽ gì con phải
yêu cha? Cha hãy chứng minh rằng con phải yêu cha". Nếu ông bố có can
đảm và khả năng trả lời và chứng minh thì đấy là gia đình bình thường,
thực sự, không chỉ dựa trên thiên kiến thần bí, mà dựa trên cơ sở hợp lý,
nhân đạo chặt chẽ. Ngược lại, nếu người cha không chứng minh được, thì
giá trị ấy cáo chung: ông không phải là cha, người con trai được tự do và
được quyền từ nay coi cha là người xa lạ với mình và thậm chí là kẻ thù
của mình. Diễn đàn của chúng ta, thưa quý vị bồi thẩm, phải là trường học
chân lý và những khái niệm lành mạnh!"
Đến đây những tràng vỗ tay mãnh liệt, gần như cuồng loạn ngắt lời diễn
giả. Cố nhiên, không phải cả phòng vỗ tay, nhưng dùsao vẫn là nửa phòng.
Các ông bố và bà mẹ vỗ tay. Phía trên nơi các bà ngồi, có tiếng gào thét.
Người ta vẫy khăn tay. Chánh án ra sức lắc chuông. Ông bực tức ra mặt về
cách xử sự của công chúng, nhưng không dám doạ "mời ra" khỏi phòng