mai một ở nước ta và do đó không còn các trưởng lão nữa. Nó được khôi
phục lại ở nước ta từ cuối thế ký trước nhờ nhà khổ tu vĩ đại (người ta gọi
ông như vậy) Paixi Velitskovsky và các môn đệ của ông, nhưng cho đến
hiện nay, sau ngót một trăm năm, vẫn chỉ một số ít tu viện có trưởng lão,
thậm chí đôi khi việc lập trưởng lão gần như bị đàn áp vì đó là sự đồi mới
chưa từng có ở Nga. Đặc biệt thể chế ấy ở nước Nga chúng ta rất thịnh đạt
tại một hoang mạc trứ danh, Kozenskaia Optinnaia(4).
Nó được du nhập vào tu viện chúng tôi từ bao giờ và ai lập nên thì tôi
không thể nói được, nhưng đã có ba trưởng lão kế chân nhau và trưởng lão
Zoxima là người sau cùng, nhưng Cha đã gần kề miệng huyệt do yếu sức
và ốm đau và người ta không biết sẽ tôn ai lên kế chân Cha. Đây là vấn đề
quan trọng đối với tu viện chúng tôi, bởi vì cho đến lúc ấy tu viện chúng tôi
chưa có gì đặc biệt nổi tiếng: ở đó không có các thánh cốt, cũng không có
các tượng thánh mới phát hiện, cũng không có nhưng kỳ tích lịch sử và
công đức đối với tổ quốc. Tu viện thịnh đạt và nổi tiếng khắp nước Nga
chính là nhờ các trưởng lão, chính là để được nhìn thấy và nghe các trưởng
lão mà người hành hương từ khắp nước Nga vượt hàng ngàn dặm đường để
về cùng chúng tôi. Vậy thế nào là trưởng lão? Trưởng lão là người thâu tóm
tâm hồn và ý chí của người ta vào tâm hồn và ý chí của mình. Khi đã chọn
trưởng lão là ta từ bỏ ý chí của mình và dâng nó cho đấng ấy để hoàn toàn
chối bỏ bản thân. Kẻ chọn con đường này tình nguyện nhận cuộc thử thách
ấy cái trường đời ấy với hy vọng rằng sau cuộc thử thách lâu dài sẽ vượt
thắng được bản thân, làm chủ được bản thân đến mức rốt cuộc, nhờ sự vâng
lời suốt đời, sẽ đạt được tự do hoàn toàn, nghĩa là tự do đối với chính mình,
tránh được số phận của những kẻ cả đời không tìm được chính bản thân
mình. Phát kiến đó, tức là thể chế trưởng lão, không phải chỉ trên lý thuyết,
mà ở phương Đông nó nảy sinh từ kinh nghiệm thực tế đã có từ ngàn năm
nay, bổn phận đối với trưởng lão không phải là "sự vâng lời" bình thường