vì kẻ phạm tội người Nga vẫn còn có đức tin. Nhưng ai biết đâu khi ấy có
thể xảy ra một điều khủng khiếp: có thể xảy ra sự mất đức tin trong trái tim
tuyệt vọng của kẻ phạm tội, nếu vậy thì sao? Nhưng giáo hội như người mẹ
dịu hiền đầy lòng yêu thương, tự mình từ bỏ sự trừng phạt bằng hành động,
bởi vì không có sự trừng phạt của giáo hội thì kẻ phạm tội cũng đã bị tòa án
của nhà nước trừng phạt quá đau rồi, và phải có người thương xót họ chứ.
Lý do chủ yếu khiến giáo hội không trừng phạt vì tòa án giáo hội là tòa án
duy nhất thâu nhận được chân lý và do đó, về bản chất cũng như về tinh
thần, không thể kết hợp với bất kỳ tòa án nào khác và thậm chí không thể có
sự thỏa hiệp tạm thời. Ở đây không thể có sự câu kết. Người ta bảo người
nước ngoài mà phạm tội thì ít khi ăn năn, bởi vì chính các học thuyết thời
nay khiến họ đinh ninh trọng tội của họ không phải là tội, mà chỉ là sự nổi
dậy chống lại lực lượng áp bức bất công. Xã hội chặt đứt liên hệ với họ bằng
một sức mạnh chế áp họ một cách hoàn toàn máy móc và kèm theo sự tuyệt
thông ấy lại còn căm thù họ (ít nhất là ở châu Âu người ta tự nói ra như thế)
– căm thù và hoàn toàn thờ ơ với số phận sau này của họ, người anh em của
mình, quên hẳn họ. Như vậy mọi việc diễn ra không có chút tình thương nào
của giáo hội, bởi vì trong nhiều trường hợp ở đấy hoàn toàn không còn giáo
hội, chỉ còn các thầy tu và những ngôi nhà thờ tráng lệ, ở đấy đã từ lâu chính
giáo hội khao khát chuyển từ chủng loại thấp là giáo hội lên chủng loại cao
là nhà nước, để hoàn toàn biến mất trong nhà nước. Hình như ít nhất cũng là
như thế ở các xứ theo đạo Luther. Ở La Mã đã một nghìn năm nay, nhà nước
được thành lập thay thế cho giáo hội. Bởi vậy kẻ phạm tội không nhận ra
mình là thành viên của giáo hội, và khi bị tuyệt thông thì họ thất vọng. Nếu
họ trở lại xã hội thì thường thường mang trong lòng mối hận thù về nỗi
chính xã hội dường như chủ động đoạn tuyệt với họ. Kết cục sẽ ra sao, các
vị có thể tự mình xét đoán. Trong nhiều trường hợp hình như ở ta cũng vậy.
Nhưng được cái là ngoài những tòa án đã được thiết lập, ở ta còn có cả giáo
hội không bao giờ để mất liên lạc với kẻ phạm tội, luôn luôn coi họ là đứa
con thân thương vẫn đáng quý đáng mến, ngoài ra, tòa án giáo hội vẫn còn
tồn tại ít nhất là trong tâm tưởng, bây giờ tuy không thực sự hoạt động
nhưng vẫn sống cho tương lai, ít ra là trong mơ ước, và chắc chắn là được