mắt cậu bé Fyodor Mikhailovich đủ tấn bi kịch của nó. Dù bị cha mẹ ngăn
cấm, Dostoevsky thường lang thang trong sân bệnh viện, nơi các bệnh nhân
ngồi sưởi nắng, quan sát và nói chuyện với các bệnh nhân, những con người
nghèo khổ xám xịt, lắng nghe những chuyện đời tủi nhục họ kể. Người ta
gọi những bệnh nhân này bằng một danh từ Latin khó hiểu, đại để nghĩa là
“những trang sầu thảm”, những nhân vật mà chiều chiều cậu bé Fyodor
Mikhailovich vẫn thường lặng lẽ theo dõi. Nhờ cái thời thơ ấu này mà
Dostoevsky sớm hình thành sự cảm thông với những người nghèo, những
người bị đàn áp, hành hạ, đau khổ, những sinh vật nằm dưới đáy xã hội
Moskva già nua. Ta không lạ gì khi về sau đám người này đi vào những sáng
tác của Dostoevsky như là một trong những đối tượng được mô tả chủ yếu,
làm nên nét đặc trưng trong văn chương của ông.
Gia đình này dần dà đông đúc con cái, bao giờ cũng có các bà vú nuôi
mướn từ các làng lân cận. Hằn sâu trong ký ức tuổi thơ của Dostoevsky là
những thím Daria, thím Katerina, thím “đôi dép rơm của cô Lucheria”, và
đặc biệt là bà vú nuôi người Moskva tên Alena, một người đàn bà mộc mạc,
tốt bụng một cách kỳ lạ. Bà biết cách lôi cuốn lũ trẻ nhà viên thầy thuốc
bằng những câu chuyện thơ mộng trong thi ca truyền miệng. Vô tình mà
những người đàn bà thấp cổ bé họng ở nước Nga nông nô ấy đã làm thức
tỉnh tình yêu của Dostoevsky với tiếng mẹ đẻ và thi ca dân gian. Rồi phải kể
đến một người ông họ mà gia đình đằng ngoại của Dostoevsky rất đỗi tự hào
là ông Vasily Mikhailovich. Vị này là giáo sư trường Đại học Tổng hợp
Moskva, tốt tính, có tài pha trò, và vì không có con cái nên ông rất yêu quý
đám cháu thường lui tới nhà ông dịp lễ Phục Sinh. Ông thường dẫn lũ trẻ
nhà Dostoevsky đi chơi quanh chợ Smolensk sát nhà và cái giàn tế thánh nổi
tiếng gần đó, trang hoàng bởi những mái che đỏ rực và các tấm bích chương
vẽ tay sặc sỡ, ở đó ông chỉ chúng xem những hình nộm ông hoàng bà Chúa
trên sân khấu của gánh hát rong, với đủ thứ tạp kỹ giải trí như các loại hề
kịch, hề xiếc, hề rối. Dostoevsky được làm quen với sân khấu dân gian như
thế, để rồi đến năm lên mười, ông được tiếp xúc với sân khấu cổ điển qua vở
kịch Những tên cướp của Schiller, mà như chính ông khẳng định, “tôi cam