những chuyện tất nhiên. Với Dostoevsky thì mọi thứ ngược lại. Ví dụ một
người nhìn thấy con sư tử. Anh ta làm gì đây? Theo lẽ tự nhiên, anh ta sẽ tái
mặt, cố mà chạy hoặc tìm chỗ trốn... Còn Dostoevsky thì sẽ viết: anh chàng
đỏ mặt và đứng chôn chân ở đó. Đó là một kiểu nghịch đảo của điều hiển
nhiên... Rồi trên mọi trang truyện, các nhân vật của Dostoevsky không sốt
nóng thì cũng lên cơn mê sảng hoặc cuồng hứng. Nhưng ‘đời không phải
như thế?’” Turgenev nói không sai, nhưng xem ra đó chỉ là cái bề ngoài.
Xuất thân tù khu nghèo ở Moskva, thời nhỏ Dostoevsky sống trong bệnh
viện Marina, thường ngày vẫn thấy bao con người với đủ cung bậc số phận
đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông về sau. Cái bề ngoài có vẻ kịch và vô lý
đó trong các tình tiết truyện của Dostoevsky thật ra không hề giả dối hay trái
thực tế; chúng nhất quán với con người và cuộc đời ông. Ông thực sự viết từ
những điều đã nhìn thấy, và trên hết là từ trải nghiệm bản thân. Ông thực sự
hiểu con người, đặc biệt là những kẻ bất hạnh, ở cả bình diện thân phận tủi
nhục của họ đến phần nội tâm sâu kín nhất của họ. Điều đó cũng làm nên
thiên tài của ông trong khả năng miêu tả tâm lý con người, cũng như tính
kịch, tính carnival trong hầu hết tác phẩm của ông nói chung và Anh em nhà
Karamazov nói riêng. Người ta thường bắt gặp những khoảnh khắc cao trào
kịch tính trong những áng văn chương vĩ đại, mà Dostoevsky chính là nghệ
sĩ bậc thầy của những cao trào như thế. Ông là người đào sâu tới tận cùng
cái bi kịch cuộc đời và cái vực thẳm trong nội tâm con người, cái “nghịch
đảo của điều hiển nhiên” mà Turgenev vô tình không nhận ra.
Để xem xét một lời phê bình khác, ta có thể viện đến Vladimir
Nabokov, nhà văn Mỹ gốc Nga giai đoạn sau này với những quan điểm hiện
đại, tuy khắc nghiệt nhưng có phần khách quan hơn: “Sự thiếu gu của
Dostoevsky, cách xử lý đơn điệu của ông với chứng nhiễu tâm của con
người vào thời tiền-Freud, cái lối ông đắm chìm vào những bi kịch của nhân
phẩm – tất cả những điều này thật khó để mà ngưỡng mộ. Tôi không ưa cái
mánh mà những nhân vật của ông thường sử dụng, ‘đi theo tội lỗi để tìm tới
Jesus’, hay nói huỵch toẹt ra như Bunin, ‘hắt Jesus tung tóe khắp nơi khắp