truyện Dostoevsky thường là sự “đắm chìm vào những bi kịch của nhân
phẩm” xuyên suốt và nhất quán, mà tiêu biểu là Anh em nhà Karamazov, tác
phẩm sau cuối của văn hào, cũng là kết tinh đến cao trào của những tư tưởng
trong Bút ký dưới hầm, Tội ác và trừng phạt, Chàng ngốc, Lũ người quỷ ám,
Đầu xanh tuổi trẻ..., một sự thách thức triệt để trước những nền tảng thâm
căn cố đế của đức tin khiến người ta có cảm giác như hụt chân bên bờ vực.
Cùng với Kierkegaard, những tiểu thuyết của Dostoevsky chính là điềm
triệu của chủ nghĩa hiện sinh trong thế kỷ 20, một cơn lốc tinh thần của
những phản tư về số phận con người và ý nghĩa của tồn tại trong cõi nhân
quần – cái bi kịch chung của nhân loại khi tỉnh thức khỏi giấc mộng xoa dịu
của tôn giáo, không còn sự che chở của Chúa Trời và niềm tin.
Với những mâu thuẫn như đã nêu trên, có lẽ chính Dostoevsky cũng
không biết được di sản của ông sẽ làm lay động hậu thế đến thế nào, vì tài
năng và tinh thần của ông là điều gì đó phổ quát hơn những gì ông nghĩ. Di
sản đó không chỉ dành cho “cỗ xe tứ mã Nga”, mà còn là di sản chung của
toàn thế giới. Kể đến những cây bút lấy cảm hứng từ chất men hiện sinh
trong tác phẩm Dostoevsky, ta có các nhà văn thuộc trường phái văn học phi
lý như Franz Kafka hay Albert Camus. Trường ca Viên đại pháp quan tôn
giáo trong Anh em nhà Karamazov đã báo trước sự xuất hiện của những tiểu
thuyết mạt thế như 1984 của George Orwell, Chúng tôi của Yevgeny
Zamyatin hay Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley. Không chỉ có giới
văn học, các triết gia cũng yêu thích và đánh giá cao giá trị các tác phẩm của
Dostoevsky. Martin Heidegger thùa nhận sức ảnh hưởng của văn hào Nga
lên tác phẩm Hữu thể và thời gian. Nikolai Berdyaev nổi tiếng với tác phẩm
Thế giới quan của Dostoevsky. Còn với Friedrich Nietzsche, có thể nói con
người chính thức khai sinh cho chủ nghĩa hiện sinh vô thần trong triết học
thế kỷ 20 này chính là sự ngoại hiện hóa của nhân vật hư cấu Ivan
Karamazov. Nhiều danh nhân ngoài địa hạt văn chương cũng dành biệt nhãn
lớn lao cho vị văn hào Nga, như nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhà vật
lý Albert Einstein hay đạo diễn phim Andrei Tarkovsky. Dấu ấn của
Dostoevsky lên văn hóa đại chúng thế kỷ 20 tuy ngấm ngầm mà thật lớn lao.