thăng chức vậy, Fyodor Pavlovich ạ. Anh có vẻ hể hả lắm bất chấp tất cả sự
đau xót của anh” – những kẻ nhạo báng nói với y như vậy. Nhiều người còn
nói thêm rằng có lẽ y lấy làm vui sướng trong bộ dạng mới của vai hề, và để
tăng thêm hiệu quả gây cười, y cố ý làm như không nhận thấy tình thế khôi
hài của mình. Nhưng ai biết được, có thể đấy là sự ngây thơ của y. Cuối
cùng y đã tìm ra tung tích cô vợ theo trai. Cô nàng ở Petersburg: nàng đến
đấy cùng với anh chàng chủng sinh và ở đó nàng dấn mình vào một cuộc
sống hoàn toàn phóng túng. Fyodor Pavlovich lập tức tất tưởi sửa soạn đi
Petersburg, – để làm gì? – cố nhiên chính y cũng không biết. Của đáng tội,
có lẽ y muốn đi thật đấy, nhưng một khi đã quyết như vậy, y cho rằng y có
cái quyền đặc biệt lại lao đầu vào cuộc rượu tràn cung mây để thêm hăng hái
trước khi lên đường.
Nhưng đúng lúc ấy gia đình bên vợ nhận được tin con gái họ đã bạc
mệnh ở Petersburg. Nàng chết bất thần trên một gác trang, người thì bảo là
do bệnh thương hàn, người thì bảo là chết đói. Fyodor Pavlovich biết tin vợ
chết giữa lúc đang cơn say. Người ta kháo rằng y chạy ra phố và gào lên, vui
sướng giơ hai tay lên trời: “Từ nay Chúa giải thoát cho con”; một số người
khác lại nói rằng y khóc rưng rức như đứa trẻ, thậm chí nhìn y mà thương
tâm, mặc dù người ta ghê tởm y. Rất có thể là cả hai bên đều đúng, nghĩa là
y vừa vui sướng vì được giải phóng, vừa khóc người giải phóng cho mình.
Nhiều khi người đời, dù là độc ác, cũng vẫn ngây thơ và chất phác hơn ta
tưởng. Vả chăng, chính chúng ta cũng thế.
II
TỐNG KHỨ ĐỨA CON ĐẦU LÒNG