ANH EM NHÀ KARAMAZOV - Trang 37

những lần như vậy y chỉ tìm cách dây dưa, thậm chí đôi khi còn bày tỏ lòng
thương con), ông bèn đích thân chăm lo cho hai trẻ mồ côi, đặc biệt ông yêu
đứa em, Alexey, vì vậy một thời gian dài Alexey sống trong gia đình ông.
Tôi xin độc giả lưu ý điều này ngay từ đầu. Nếu có người nào mà hai chàng
trẻ tuổi phải suốt đời ghi nhớ công ơn dưỡng dục và học hành thì đấy chính
là Yefim Petrovich, một trong những người cao quý và nhân đức nhất hiếm
có thời nay. Ông giữ nguyên số tiền một nghìn rúp mỗi đứa mà bà lão để lại
cho chúng không đụng gì đến, thành thử khi họ đến tuổi thành niên, số tiền
đó tính cả lãi lên đến hai nghìn rúp mỗi phần, ông bỏ tiền riêng cho chúng
ăn học, và dĩ nhiên phí tổn cho mỗi đứa hơn một nghìn rúp nhiều. Lúc này
tôi chưa kể tỉ mỉ về thời niên thiếu và thời thanh niên của họ, chỉ nêu ra
những cái chính mà thôi. Tuy nhiên về thằng anh, Ivan, tôi chỉ nói rằng lớn
lên nó trở thành một thiếu niên cau có, kín đáo, hoàn toàn không phải là nhút
nhát, nhưng dường như ngay từ mười tuổi nó đã thấu hiểu rằng hai anh em
dù sao vẫn sống nhờ nhà người, trông vào ân huệ của người ta, rằng bố của
chúng là một kẻ mà chỉ nhắc đến cũng đáng xấu hổ, vân vân và vân vân. Từ
rất sớm, hầu như từ thuở ấu thơ (ít ra người ta cũng đồn đại như thế), thằng
bé này đã tỏ ra có khả năng phi thường, xuất chúng trong học tập. Tôi không
biết đích xác, nhưng khoảng năm mười ba tuổi, Ivan đã rời khỏi gia đình
Yefim Petrovich để vào học một trường trung học Moskva và trọ nơi một
nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, nổi tiếng thời ấy, bạn thời thơ ấu của Yefim
Petrovich. Sau này chính Ivan kể lại rằng mọi việc xảy ra có thể nói là do
“lòng sốt sắng làm việc thiện” của Yefim Petrovich, ông say mê với ý tưởng
là một cậu bé có thiên tài phải được thụ huấn một nhà giáo dục thiên tài. Tuy
nhiên cả Yefim Petrovich và nhà giáo dục thiên tài đều không còn khi Ivan
tốt nghiệp trung học và vào đại học. Bởi vì Yefim Petrovich vụng thu xếp và
việc nhận số tiền bà quan đã di chúc dành riêng cho bọn trẻ cứ kéo dài mãi
do những thủ tục và sự dây dưa không tránh khỏi ở nước ta (số tiền ấy tính
cả lãi đã lên đến hai nghìn mỗi phần), nên trong hai năm đầu ở đại học,
chàng trẻ tuổi hết sức lao đao, vì vừa phải tự lo việc ăn ở vừa theo học. Nên
chú ý rằng chàng thậm chí không muốn thử viết thư cho bố, có lẽ vì hãnh
diện, vì khinh miệt bố, mà cũng có lẽ sự suy đoán tỉnh táo lạnh lùng mách

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.