sợ, ồ, không phải vì sợ bị các ông trừng phạt! Nhục nhã! Các ông là những
kẻ thích giễu cợt, chẳng nhìn thấy gì và chẳng tin gì, các ông là những con
chuột chũi mù, vậy mà lại muốn tôi bộc lộ với các ông một điều đê tiện nữa
của tôi, một điều nhục nhã nữa, chỉ cốt để tránh được sự buộc tội của các
ông? Thà đi tù khổ sai còn hơn! Kẻ mở cửa buồng cha tôi và vào buồng
chính là kẻ giết người và lấy tiền. Kẻ ấy là ai, tôi đoán không ra và khó lắm,
nhưng không phải là Dmitri Karamazov, các ông nên biết như vậy, đấy là tất
cả những gì tôi có thể nói với các ông, thôi đủ rồi, đừng quấy rầy nữa... Cứ
việc bắt tôi đi đày, hành quyết đi, nhưng đừng chọc tức tôi nữa. Tôi không
nói nữa. Hãy gọi các nhân chứng của các ông đi!
Mitya tuôn ra đoạn độc thoại bất ngờ của mình, như thể chàng đã quyết
định dứt khoát không nói gì nữa. Viên biện lý vẫn luôn luôn theo dõi chàng,
và chàng vừa im tiếng thì hết sức lạnh lùng và bình tĩnh, ông ta bỗng nói
một điều tuồng như hết sức bình thường:
– Chính về cánh cửa mở mà ông vừa nhắc đến, tiện đây chúng tôi có
thể cho ông biết một lời khác rất lạ và cực kỳ quan trọng đối với ông và
chúng tôi, lời khai của lão Grigory Vasilyevich đã bị ông đánh trọng thương.
Khi tỉnh lại, lão đã trả lời chúng tôi một cách rõ ràng và nhất quyết rằng
ngay từ lúc ra bậc tam cấp và nghe thấy có tiếng động gì không rõ trong
vườn, lão quyết định đi vào vườn qua cái cổng để mở thì khi đã vào, trước
khi nhận thấy ông bỏ chạy trong bóng tối, như ông đã khai với chúng tôi
rằng ông chạy từ chỗ cửa sổ mà ông nhìn thấy ông thân sinh của ông, lão
Grigory nhìn về bên trái và quả thực thấy cửa sổ mở, đồng thời lão nhận
thấy cửa buồng, ở gần lão hơn nhiều, cũng mở, mà ông thì bảo rằng suốt
thời gian ông ở trong vườn, cửa ấy vẫn đóng. Tôi không giấu ông rằng chính
lão Grigory đã dứt khoát kết luận rằng hẳn là ông phải chạy ra từ cửa ấy, tuy
lão không chính mắt nhìn thấy ông chạy ra, lúc đầu lão chỉ thấy ông ở cách
lão một quãng, ở giữa vườn, chạy về phía tường...
Mới nghe nửa chừng, Mitya đã bật dậy khỏi ghế: