– Tao thích quan sát thực tế, Smurov ạ. – Kolya lên tiếng. – Mày có
thấy khi chó gặp nhau chúng đánh hơi nhau như thế nào không? Giữa chúng
có một quy luật tự nhiên phổ biến gì đó.
– Phải, cũng hơi kỳ cục.
– Không phải là kỳ cục, mày nói không đúng. Trong thiên nhiên không
có cái gì là kỳ cục cả, bất kể con người cho là như thế nào do những thành
kiến của mình. Nếu như chó có thể suy xét và phê phán thì hẳn là chúng sẽ
tìm thấy trong quan hệ xã hội của con người, chủ của chúng, cũng có nhiều
cái buồn cười như thế, nếu không phải là nhiều hơn gấp bội, còn nhiều hơn
gấp bội nữa kia. Tao nhắc lại điều đó vì tao tin chắc rằng những cái ngu
ngốc của chúng ta còn nhiều hơn gấp bội, còn nhiều hơn gấp bội nữa kia.
Đấy là ý nghĩ của Rakitin, một ý nghĩ xuất sắc. Tao là người theo chủ nghĩa
xã hội, Smurov ạ.
– Thế nào là người theo chủ nghĩa xã hội? – Smurov hỏi.
– Ấy là mọi người đều bình đẳng, tài sản là của chung, xóa bỏ hôn
nhân, còn tôn giáo và luật thì ai muốn sao tùy ý, mọi cái khác cũng thế. Mày
chưa đến tuổi hiểu được, còn sớm quá. Chà, lạnh gớm.
– Đúng! Mười hai độ. Ban nãy ba em đã xem nhiệt biểu.
– Mày biết đấy, Smurov ạ, giữa mùa đông nếu nhiệt độ mười lăm độ,
thậm chí mười tám độ, thì xem ra cũng không lạnh bằng bây giờ chẳng hạn,
mới đầu mùa đông, bỗng nhiên rét bất ngờ, mười hai độ, mà tuyết cũng mới
ít thôi. Như vậy là người ta vẫn chưa quen, là do thói quen cả, trong mọi
việc, kể cả trong quan hệ nhà nước và chính trị. Thói quen là động lực chính.
Nhưng kìa, tay nông dân kia nom buồn cười quá.
Kolya trỏ người nông dân cao lớn, mặc chiếc áo lông, gương mặt hồn
hậu, đứng cạnh cỗ xe tải của mình, đập hai tay đeo bao vải vào nhau cho đỡ
rét. Bộ râu dài màu vàng sẫm của ông ta sương giá bám trắng xóa.