ích, phải không nào? Thú thật, đặc điểm đó trong tính cách của anh mà tôi
có nghe phong thanh làm tôi chú ý hơn hết. Nhưng ta vào việc thôi: tôi để ý
thấy rằng thằng bé ngày càng đa cảm, mà anh ạ, tôi là kẻ thù quyết liệt của
mọi thói ẽo ợt kiểu bê con, mới ra đời tôi đã ghét rồi. Với lại thật là mâu
thuẫn: nó khí khái nhưng lại trung thành với tôi như tên nô lệ, thế mà có khi
mắt nó quắc lên, nó không chịu nghe theo tôi, tranh cãi, nổi khùng. Thỉnh
thoảng tôi đưa ra một vài ý tưởng: nó không hẳn là không đồng ý với những
ý tưởng đó, mà tôi thấy là nó chỉ cốt chống lại tôi thôi, vì đáp lại sự trìu mến
của nó tôi lại có thái độ lạnh lùng. Thế là để rèn cặp nó, nó càng trìu mến thì
tôi càng tỏ ra lạnh lùng, tôi cố ý như thế, đấy là chủ ý của tôi. Tôi muốn rèn
luyện tính cách nó, uốn nắn cho nó nên người... ấy thế mà... tất nhiên chẳng
nói thì anh cũng hiểu. Bỗng nhiên tôi nhận thấy nó rầu rĩ, một ngày, ngày
thứ hai, ngày thứ ba, đau xót, nhưng không phải vì sự trìu mến của nó không
được đáp lại, mà về một điều gì khác, hết sức mãnh liệt, cao cả hơn. Tôi
nghĩ, có chuyện bi thảm gì chăng? Tôi gặng hỏi mãi và dò ra được: không
biết bằng cách nào nó bắt thân với thằng hầu Smerdyakov của ông cụ đã quá
cố nhà anh (hồi ấy ông cụ còn sống), thế là thằng hầu ấy dạy thằng bé ngốc
nghếch một trò dại dột, một trò độc ác, hèn hạ: lấy một mẩu bánh, chỉ moi
ruột thôi, cắm vào đấy chiếc kim găm, đem ném cho một con chó, loại chó
đói đến nỗi được miếng bánh thì không nhai mà nuốt luôn, rồi sẽ được xem
sự thể ra sao. Chúng nó làm một miếng ruột bánh như thế và ném cho chính
con Bọ Dừa lông xù mà bây giờ câu chuyện liên can đến nó, đấy là con chó
mà ở nhà người ta chẳng hề cho nó ăn, còn nó thì suốt ngày sủa gió. (Anh
Karamazov, anh có ưa tiếng chó sủa suông không? Tôi thì tôi không thể chịu
nổi). Con vật lao đến nuốt chửng mảnh ruột bánh và kêu ăng ẳng, quay
cuồng rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu ăng ẳng, và biến mất, chính Ilyusha tả
lại với tôi như thế. Nó thú thật với tôi và khóc ròng, ôm lấy tôi, toàn thân run
lên: “Nó chạy và kêu ăng ẳng, chạy và kêu ăng ẳng” – nó cứ nhắc đi nhắc lại
như thế, cảnh tượng ấy làm nó bàng hoàng. Tôi thấy lương tâm nó bị giày
vò. Tôi giữ thái độ nghiêm trang. Chủ yếu là tôi muốn cho nó một bài học về
tính mềm yếu trước kia, vì vậy thú thật là tôi lập mẹo, vờ làm ra vẻ phẫn nộ
mà trước đó có lẽ chưa bao giờ tôi như thế. Tôi nói: “Mày đã làm một việc