– Tôi không bao giờ kể chuyện ấy với ông, tôi chẳng nói chuyện với
ông bao giờ cả.
– Đúng thế, ông không kể với tôi; nhưng ông kể trong một cuộc vui
trong đó có tôi, hơn ba năm nay rồi. Tôi nhắc đến nó vì câu chuyện buồn
cười của ông đã làm lung lay đức tin của tôi, ông Pyotr Alexandrovich ạ.
Ông không biết, chứ tôi trở về nhà mà lòng tin lung lay và từ đó tôi ngày
càng lảo đảo hơn. Đúng, ông Pyotr Alexandrovich ạ, ông là nguyên nhân
gây ra sự sa ngã lớn lao! Đây không còn là chuyện Diderot nữa!
Fyodor Pavlovich nổi nóng một cách bi thiết, tuy mọi người thấy rõ
mười mươi là ông ta lại đóng kịch. Nhưng Miusov vẫn bị châm đau.
– Vô lý quá, toàn là chuyện vô lý. – Ông ta làu bàu. – Có lẽ hồi nào tôi
có nói thực đấy... nhưng không nói với ông. Chính tôi cũng nghe lại. Tôi
nghe chuyện đó ở Paris, một người Pháp nói rằng đâu như ở nước ta người
ta đọc đoạn ấy trong Cheti-Minei vào buổi lễ... Ông ta là người rất thông
thái, chuyên nghiên cứu về thống kê của nước Nga... đã từng ở Nga lâu...
Bản thân tôi không đọc Cheti-Minei... và sẽ không đọc... Thiếu gì chuyện
người ta vui miệng nói trong bữa ăn... Lúc ấy là trong bữa ăn...
– Vâng, các ông ăn, còn tôi thì mất đức tin! – Fyodor Pavlovich nhại.
– Tôi bận tâm gì đến đức tin của ông! – Miusov toan quát lên, nhưng
ông bỗng nén được, chỉ nói bằng giọng khinh miệt. – Đúng là ông bôi bẩn
tất cả những gì ông chạm vào.
Trưởng lão đột nhiên đứng dậy.
– Xin lỗi các vị, tôi vắng mặt chỉ một lát thôi. – Trưởng lão nói với
khách.
– Người ta đợi tôi từ trước khi các vị đến kia. Còn ông dù sao cũng
đừng nói dối. – Gương mặt vui vẻ, Cha nói thêm với Fyodor Pavlovich.