quý. Đấy là bà mẹ và cô con gái. Bà Khokhlakova là một phu nhân giàu có,
ăn vận bao giờ cũng trang nhã, còn khá trẻ và nom rất ưa nhìn, nước da hơi
tái, mắt rất linh lợi và gần như đen. Bà ta mới hơn ba mươi ba, góa chồng đã
năm năm. Cô con gái mười bốn tuổi của bà bị liệt chân. Cô bé đáng thương
không đi lại được đã nửa năm nay và được đưa đi bằng chiếc ghế bành dài
thuận tiện có bánh xe. Khuôn mặt xinh xắn của cô rất có duyên, hơi gầy vì
đau ốm, nhưng vui vẻ. Đôi mắt to thẫm màu dưới hàng mi dài ánh lên một
vẻ gì nghịch ngợm. Bà mẹ đã định đưa con ra nước ngoài từ mùa xuân,
nhưng mùa hè họ mắc thu xếp việc điền trang nên không đi được. Họ ở
thành phố chúng tôi đã được một tuần, vì công việc nhiều hơn là để cầu xin
ơn lành, nhưng cách đây ba ngày đã có lần họ đến thăm trưởng lão. Bây giờ
bỗng nhiên họ lại đến tuy họ biết trưởng lão hầu như không thể tiếp ai cả và
họ năn nỉ xin một lần nữa “được có ơn phước chiêm ngưỡng đấng cao cả có
phép chữa lành bệnh”.
Trong khi chờ trưởng lão ra, bà mẹ ngồi trên chiếc ghế cạnh ghế bành
của con gái, đứng cách bà hai bước là một thầy tu già, không phải người tu
viện này, mà từ một nơi xa xăm ít ai biết ở phương Bắc đến đây. Ông ta
cũng muốn được trưởng lão ban phước. Nhưng đến hành lang, trưởng lão đi
thẳng tới chỗ dân chúng. Đám đông chen nhau tới bậc tam cấp nối dãy hành
lang thấp với mặt đất. Trưởng lão đứng ở bậc trên cùng choàng tấm khăn lễ
và bắt đầu ban phước cho những phụ nữ chen nhau tới gần Cha. Người ta
nắm hai tay lôi tới trước Cha một phụ nữ “ngộ dại”. Nhác thấy trưởng lão,
người này bắt đầu vừa nấc lên vừa gào rú một cách kỳ quái và toàn thân run
bần bật như lên cơn kinh giật. Trưởng lão trùm chiếc khăn lễ lên đầu chị ta,
đọc một đoạn kinh ngắn, chị ta lặp tức ắng lặng và trở nên bình tĩnh. Tôi
không biết bây giờ thì thế nào, nhưng thời thơ ấu tôi thường có dịp nhìn thấy
và nghe tiếng gào rú của những người đàn bà “ngộ dại” ấy ở các làng và các
tu viện. Người ta đưa họ đến buổi lễ, họ kêu ăng ẳng và sủa như chó, vang
động khắp nhà thờ, nhưng khi thánh thể được đưa ra và người ta lôi họ tới
đó thì “cơn bệnh quỷ ám” hết liền và người bệnh bao giờ cũng yên được một
thời gian. Hồi nhỏ việc ấy làm tôi rất đỗi kinh ngạc. Nhưng hồi ấy tôi có