– Thế là thế nào? – Kolya thấy cần thiết phải tự vệ, tuy nó rất thích lời
ca ngợi. – Tiếng Latin tôi học thuộc lòng, bởi vì cần phải như thế, bởi vì tôi
đã hứa với mẹ rằng sẽ học xong giáo trình, mà tôi cho rằng đã bắt tay vào
việc gì thì phải làm cho tốt, nhưng trong thâm tâm tôi khinh bỉ sâu sắc môn
học cổ điển và tất cả cái trò ti tiện ấy... Anh có đồng ý không, anh
Karamazov?
– Nhưng tại sao lại là “ti tiện”? – Alyosha lại mỉm cười.
– Này anh ạ, các tác phẩm cổ điển đều được dịch ra mọi thứ tiếng,
thành thử chẳng cần biết tiếng Latin mới nghiên cứu được các tác gia cổ
điển, mà đấy chỉ là biện pháp cảnh sát, và cốt để làm cùn nhụt khả năng của
người ta. Thế không phải là ti tiện thì là gì?
– Ai dạy cho cậu những điều ấy? – Cuối cùng Alyosha ngạc nhiên kêu
lên.
– Thứ nhất là chính tôi có thể hiểu được, chẳng cần ai dạy cả. Thứ hai,
điều tôi vừa nói với anh về các nhà cổ điển đã được dịch ra thì chính
Kolbasnikov đã nói với toàn thể học sinh lớp ba...
– Bác sĩ đã đến! – Ninotchka bỗng kêu lên, suốt từ đầu đến giờ cô vẫn
im lặng. Thực vậy, chiếc xe ngựa của bà Khokhlakova tới gần cổng nhà. Đại
úy chờ đợi bác sĩ suốt buổi sáng, đâm bổ ra cổng đón ông. Bà vợ lấy lại tư
thế và ra bộ trịnh trọng. Alyosha tới gần Ilyusha và sửa lại chiếc gối cho nó.
Ninotchka trong chiếc ghế bành của minh lo lắng nhìn Alyosha sửa lại chăn
gối cho ngay ngắn. Chúng bạn vội vã từ biệt ra về, một số đứa hẹn ngày mai
lại đến. Kolya gọi Chuông Rền, con chó từ trên giường nhảy xuống.
– Tôi không về đâu, tôi không về đâu! – Kolya hối hả nói với Ilyusha. –
Tôi sẽ chờ ở phòng ngoài và khi bác sĩ ra về thì tôi sẽ lại vào với con
Chuông Rền.