tiếp đến bức thứ hai trong đó pan Musialowicz hỏi vay nàng hai ngàn rúp
trong thời gian ngắn nhất. Grushenka không trả lời lá thư ấy, tiếp đó đến cả
loạt thư từ, mỗi ngày một lá, vẫn trịnh trọng và khoa trương như thế, nhưng
số tiền hỏi vay dần dần giảm xuống, đến một trăm rúp, hai mươi nhăm rúp,
cuối cùng Grushenka bỗng nhận được lá thư trong đó cả hai pan chỉ hỏi vay
có một rúp và đính kèm theo giấy biên nhận, cả hai người cùng ký tên. Lần
này Grushenka bỗng thấy thương tình, và lúc chạng vạng tối nàng chạy đến
gặp gã Ba Lan. Nàng thấy hai người nghèo ghê gớm, gần như bần cùng,
không có cái ăn, không có củi, không có thuốc lá, nợ tiền bà chủ nhà. Hai
trăm rúp được bạc của Mitya ở Mokroye đã mau chóng tiêu tan. Nhưng
Grushenka ngạc nhiên thấy họ vẫn đón tiếp nàng với vẻ trịnh trọng kênh
kiệu và ung dung, rất mực kiểu cách, lời lẽ khoa trương. Grushenka chỉ phì
cười và cho “người cũ” mười rúp, sau đó nàng vừa cười vừa kể chuyện ấy
với Mitya và Mitya hoàn toàn không ghen. Nhưng từ đó hai pan săn đón
Grushenka, ngày nào cũng tống đến nàng loạt thư hỏi xin tiền, và lần nào
nàng cũng cho một ít. Vậy mà bỗng nhiên hôm nay Mitya lại đâm ra ghen dễ
sợ.
– Tôi thật ngu ngốc, tạt đến nhà gã, chỉ một phút thôi, trước khi đến
thăm Mitya, bởi vì gã cũng ốm, gã pan trước kia của tôi ấy. Tôi cười và kể
với anh Mitya: anh tưởng tượng xem, – tôi nói, – gã Ba Lan đánh ghita, định
hát những bài trước kia, gã tưởng sẽ làm em cảm động và đi với gã... Thế là
Mitya chồm lên mắng nhiếc om sòm... Đã thế thì tôi sẽ gửi bánh nướng cho
các pan ấy! Fenya, họ sai con bé ấy đến phải không? Đây, hãy đưa cho nó ba
rúp và lấy giấy gói cho nó mười chiếc bánh đem về, còn chú, Alyosha ạ,
nhất định chú phải kể cho Mitya rằng tôi đã gửi bánh cho họ.
– Không đời nào tôi kể đâu. – Alyosha mỉm cười nói.
– Chà, chú tưởng anh ấy đau khổ chắc, anh ấy cố ý làm ra thế đấy thôi
chứ anh ấy bất cần. – Grushenka thốt lên bằng giọng cay đắng.
– Sao lại cố ý! – Alyosha hỏi.