sau có thói quen rất năng đến thăm Mitya, trở thành một trong những người
thân nhất của các “tiểu thư nhà ông cảnh sát”, như anh ta vẫn gọi họ, và
hằng ngày anh ta vẫn lui tới với họ. Anh ta lại dạy học ở nhà ông quản ngục,
một ông già tử tế, tuy rất cứng rắn trong công vụ. Alyosha lại quen biết ông
quản ngục từ lâu, được biệt đãi, ông ta thích bàn luận với anh về “những
điều bí hiểm”. Với Ivan Fyodorovich thì ông già không phải chỉ là kính
trọng, mà thậm chí còn sợ, chủ yếu là sợ những lý lẽ của anh, tuy bản thân
ông là một triết gia lớn, tất nhiên là “bằng đầu óc của mình”. Nhưng với
Alyosha, ông yêu mến lạ lùng. Năm gần đây, ông già chăm đọc ngụy Phúc
âm và luôn luôn cho người bạn trẻ biết những cảm tưởng của mình. Trước
đây ông vẫn đến tu viện gặp anh và nói chuyện hàng giờ với anh cũng như
với các tu sĩ. Tóm lại, nếu Alyosha đến nhà giam muộn, anh chỉ việc ghé
vào chỗ ông quản ngục là xong ngay. Hơn nữa mọi lính canh ở nhà tù đều
quen Alyosha. Người gác cố nhiên không e ngại gì, miễn là cấp trên cho
phép.
Khi có người gọi, bao giờ Mitya cũng rời phòng giam của mình xuống
chỗ gặp mặt. Vừa vào phòng, Alyosha chạm trán ngay với Rakitin đang từ
giã Mitya. Cả hai đều nói to. Mitya tiễn anh ta, cười cái gì không rõ, còn
Rakitin tuồng như càu nhàu. Đặc biệt thời gian gần đây, Rakitin không thích
gặp Alyosha, hầu như không nói năng với anh, thậm chí chào hỏi anh một
cách miễn cưỡng. Bây giờ thấy Alyosha vào, anh ta cau mày đưa mắt nhìn
đi nơi khác, như bận cài cúc chiếc áo măng tô ấm cổ lông to rộng. Rồi anh ta
lập tức tìm chiếc ô của mình.
– Không nên quên cái gì của mình! – Anh ta lầu bầu, chỉ cốt để nói
điều gì.
– Chớ nên quên cả cái của người khác! – Mitya bông lơn và phá lên
cười về câu đùa sắc sảo. Rakitin nổi nóng tức thì.
– Anh nên dành lời khuyên đó cho họ Karamazov nhà anh, những kẻ
muốn bám lấy chế độ nông nô, chứ không phải là dành cho Rakitin! – Anh