ngỏ, tôi bước một bước về bên trái, lặng nghe xem ông nhà còn ngồi đấy hay
không, tôi thấy ông đang lồng lộn và kêu than, vậy là còn sống. Ồ, tôi nghĩ.
Tôi đến gần cửa sổ và gọi: “Tôi đây mà.” Ông bảo tôi: “Nó vừa ở đây, vừa ở
đây, chạy rồi!” Nghĩa là Dmitri Fyodorovich vừa ở đây. “Grigory bị nó
giết!” – “Ở đâu?” – tôi thì thầm với ông già. “Đằng kia, góc vườn” – ông
trỏ, cũng thì thầm. “Hãy đợi đấy” – tôi nói. Tôi đi vào góc vườn và gặp
Grigory Vasilyevich nằm dưới chân tường, toàn thân đẫm máu, bất tỉnh. Vậy
là đúng Dmitri Fyodorovich đã đến đây, tôi chợt nảy ra trong đầu và lập tức
quyết định chấm dứt tất cả việc đó một cách đột ngột, bởi vì Grigory
Vasilyevich nếu còn sống thì vẫn bất tỉnh, hiện giờ không nhìn thấy gì. Chỉ
đáng ngại là Marfa Ignatyevna chợt tỉnh giấc mà thôi. Lúc ấy tôi cảm thấy
điều đó, chỉ có lòng tham ấy choán hết tâm hồn tôi, khiến tôi nghẹn thở. Tôi
lại đến dưới cửa sổ ông chủ và nói: “Cô ấy ở đây, cô ấy đã đến, Agrafena
Alexandrovna đã đến, xin vào”. Ông giật nảy cả người lên như đứa hài nhi.
“Ở đâu. Ở đầu kia?” – ông kêu lên, chưa tin hẳn. “Cô ấy đứng kia. Ông mở
cửa ra!” Ông nhìn tôi qua cửa sổ, nửa tin, nửa ngờ, nhưng vẫn không dám
mở, ông ấy sợ ta, tôi nghĩ. Buồn cười thật: tôi chợt nảy ra ý định gõ vào
khung cửa theo mật hiệu Grushenka đã tới, ngay trước mắt ông: nói thì ông
già không tin, mà tôi gõ hiệu thì lập tức ông chạy ra mở cửa. Ông mở cửa.
Tôi toan vào, còn ông vẫn đứng, toàn thân chắn không cho tôi vào. “Cô ấy
đâu, cô ấy đâu?” – ông nhìn tôi và run rẩy. Hừ, tôi nghĩ, ông ấy sợ ta như thế
thì nguy rồi! Chân tôi nhủn đi vì sợ ông không cho tôi vào phòng hay gọi to
bà Marfa Ignatyevna chạy tới, hay có chuyện gì xảy ra, tôi không nhớ rõ,
hẳn là lúc ấy tôi tái nhợt đi. Tôi thì thầm với ông: “Kia kìa, cô ấy đứng dưới
cửa sổ kia kìa. Sao ông không nhìn thấy nhỉ?” – “Mày đưa cô ấy vào đi, đưa
cô ấy vào đi!” – “Cô ấy sợ, – tôi nói, – cô ấy không dám đáp lại tiếng quát
thét, cô ấy núp vào bụi cây, ông ra gọi đi, ra khỏi phòng đi” – tôi nói. Ông
đến gần cửa sổ, đặt cây nến xuống cửa sổ. Ông gào lên: “Grushenka,
Grushenka, em đấy ư?” Bản thân ông gào lên, nhưng lại không muốn
nghiêng mình ra ngoài cửa sổ, không muốn rời tôi, vì sợ, vì ông rất đề phòng
tôi, vì thế không muốn rời xa tôi. “Cô ấy kia kìa, – tôi nói (tôi đến gần cửa
sổ, vươn hẳn người ra ngoài), – cô ấy ở trong bụi cây, đang cười với ông,