quyền lãnh đạo chính phủ Pháp – đã triệt tiêu tận gốc rễ sức mạnh trên biển
của Pháp và cắt đứt mối liên hệ với đồng minh tốt nhất của nước này. Pháp
mở rộng được lãnh thổ, sức mạnh quân sự cũng gia tăng, nhưng nguồn gốc
của thương mại và vận tải biển thì cạn kiệt; và mặc dù hải quân vẫn còn giữ
được vẻ huy hoàng và hiệu quả trong một vài năm sau, song đã nhanh chóng
thu hẹp lại và vào cuối triều đại của Louis XIV thì không còn tồn tại. Chính
sách sai lầm như thế – đó là nói về quyền lợi trên biển – kéo dài trong suốt
54 năm của triều đại này. Louis luôn luôn quay lưng lại với quyền lợi trên
biển, ông ta chỉ quan tâm tới tàu chiến mà không hiểu hoặc không muốn
hiểu rằng tàu chiến sẽ chẳng có nhiều tác dụng và khó tồn tại nếu ngành vận
tải biển và những ngành công nghiệp mà nó dựa vào bị diệt vong. Chính
sách của ông ta – gia tăng lực lượng quân sự và mở rộng lãnh thổ để trở
thành siêu cường ở châu Âu – đã buộc Anh và Hà Lan liên kết với nhau.
Liên minh này, như đã nói ở trên, đã trực tiếp đẩy Pháp ra khỏi mặt biển và
gián tiếp làm tiêu tan sức mạnh của Hà Lan. Lực lượng hải quân của Colbert
đã bị phá tan, và trong mười năm cuối đời của Louis, mặc dù chiến tranh
xảy ra liên miên nhưng vẫn không có một hạm đội lớn nào của Pháp ra khơi.
Sự đơn giản trong cơ chế cai trị của chế độ quân chủ chuyên chế cho thấy rõ
chính phủ có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với cả sự phát triển lẫn suy tàn
của sức mạnh trên biển.
Trong giai đoạn sau của triều đại Louis XIV, người ta được chứng kiến
sự suy giảm của sức mạnh trên biển, đó là do nền tảng của nó – nền thương
mại và của cải do nó mang về – đã suy yếu. Chính phủ tiếp theo, cũng là
chính phủ chuyên chế, với mục tiêu xác định và theo yêu cầu của Anh, đã từ
bỏ mọi tham vọng về việc phải giữ cho bằng được lực lượng hải quân đầy
sức mạnh. Nguyên nhân là do nhà vua còn ít tuổi, còn viên phụ chính đại
thần lại căm thù vua Tây Ban Nha. Vì muốn đánh ông này và giữ vững
quyền lực cho mình, ông ta đã liên minh với Anh, ông ta đã giúp Anh củng
cố nước Áo, kẻ thù truyền kiếp của Pháp, giúp Anh ở Naples và Sicily nhằm
gây tổn hại cho Tây Ban Nha và cùng với Anh đánh tan hạm đội Tây Ban
Nha cũng như phá huỷ hết các xưởng đóng tàu của nước này. Một lần nữa,
chúng ta lại thấy người cầm quyền độc đoán coi thường quyền lợi trên biển