Mahan kêu gọi phải giải quyết những vấn đề nghệ thuật hải quân một
cách sáng tạo, và tư duy theo lối chiến lược, nhưng vì ông là một người cầm
bút “tư sản”, cho nên tư tưởng của ông bị coi là xa lạ với hệ tư tưởng Xô
Viết. Nhiều luận điểm của nghệ thuật hải quân do Mahan đưa ra bị bác bỏ,
mặc dù sau này đã được khẳng định bằng chính kinh nghiệm của chúng ta.
Ví dụ, những lời bình luận của lí thuyết gia này về bá quyền trên biển và đặc
biệt là những phương pháp nhằm giành được quyền bá chủ trên biển bị coi
là phản khoa học và thù nghịch với khoa học hải quân của Liên Xô. Trong
cuộc chiến tranh Nga-Thổ (1828-1829), nhằm mục đích giành được quyền
bá chủ trên Biển Đen, đô đốc A.S. Greig đã bao vây hạm đội Thổ trong eo
biển Bosphore, còn chuẩn đô đốc L.P. Greiden thì tiến hành phong toả từ
phía Địa Trung Hải. Sau khi phong toả Bosphore và Dardanelles, hải quân
Nga không để cho kẻ thù vận chuyển hàng quân sự và dân dụng, ngoài ra họ
còn trợ giúp được cho các đơn vị bộ binh đóng cạnh bờ biển và nhờ đó đã
giành được những mục tiêu chiến lược. Trong cuộc chiến tranh Creame
(1853-1856), hạm đội Biển Đen không chiến đấu với quân thù, để cho họ dễ
dàng giành được quyền bá chủ trên biển. Người Nga lúc đó đã không tìm
được các vị tư lệnh hải quân và tư lệnh lục quân biết tư duy bằng những
phạm trù chiến lược, kết quả là hải quân quá thụ động và cuối cùng bị tiêu
diệt.
Mahan dạy người ta tìm hiểu bản chất của chiến tranh trên biển (các lí
thuyết gia Xô Viết bác bỏ cả phạm trù này). Khi nói về những cố gắng của
người Tây Ban Nha nhằm giành lại pháo đài Gibraltar từ tay quân Anh, nhà
bác học này đã nhận xét hoàn toàn đúng rằng, cả người Tây Ban Nha lẫn
người Pháp đều không hiểu bản chất của chiến tranh trên biển, đặc biệt là
chiến lược của hải quân. Việc bao vây quá lâu Gibraltar không đem lại kết
quả nào. Theo Mahan, có thể chiếm pháo đài này bằng cách tiêu diệt hoặc
làm suy yếu hạm đội Anh, phá hoại con đường vận chuyển của nước này
hay đe doạ đổ bộ lên các hòn đảo của Anh. Tôi nghĩ rằng lí thuyết gia người
Mỹ nói đúng.