là việc chuyển ngư lôi sang những tàu chiến lớn để có thể chiến đấu trong
những vùng biển sâu cũng sẽ làm cho những chiếc tàu phóng lôi chuyên
dụng trở thành hiện vật của viện bào tàng. Đến tận thời nội chiến ở Mỹ, hoả
thuyền vẫn còn được sử dụng nhằm chống lại những đoàn thuyền đang thả
neo; còn tàu phóng lôi thì luôn luôn hữu hiệu nếu tàu địch đậu gần cảng.
Trong đoạn văn nói về chiến thuật hải quân cách đây hai trăm năm –
vừa dẫn ở trên – có nhắc tới giai đoạn thứ ba, cụ thể là ý tưởng tạo ra một
nhóm tàu mà ngày nay người ta thường thảo luận. “Ý tưởng kết hợp hoả
thuyền với thuyền chiến nhằm tạo ra một vài nhóm, mỗi nhóm đều được
trang bị đầy đủ các phương tiện tấn công và phòng thủ”, rõ ràng đã được
chấp nhận trong một thời gian, vì chúng ta biết rằng sau này mới bị bãi bỏ.
Liên kết các tàu chiến trong cùng một hạm đội thành những nhóm hai, ba
hoặc bốn chiếc – cùng hành động – rất được người Anh ủng hộ, nhưng ở
Pháp thì ít hơn vì bị phản đối mạnh. Không ai có thể giải quyết được những
vấn đề khi có cả người ủng hộ lẫn chống đối mạnh mẽ như thế, cũng không
thể giải quyết được khi chưa có đủ thời gian và kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn
có thể nhận xét rằng trong những hạm đội được tổ chức tốt bao giờ cũng có
hai cấp độ chỉ huy, đó là điều đương nhiên và cần thiết, không được bãi bỏ
hoặc coi thường. Đó là chỉ huy cả hạm đội như một đơn vị tác chiến, và chỉ
huy từng con tàu như một đơn vị tác chiến độc lập. Khi hạm đội quá lớn,
một người không thể chỉ huy nổi thì phải chia ra, và trong khi giao tranh,
chúng tạo thành hai hạm đội cùng thực hiện mục tiêu chung; như Nelson đã
nói trong mệnh lệnh nổi tiếng của ông tại trận đánh ở Trafalgar: “Sau khi
biết được ý định của tôi, người chỉ huy thứ hai (xin nhớ từ “sau khi”, đó là
từ quyết định chính xác chức năng của tổng chỉ huy và người thứ hai) có
toàn quyền chỉ đạo đơn vị của ông nhằm tấn công quân địch, và đánh chúng
cho đến khi chúng bị bắt hoặc bị tiêu diệt”.
Với kích thước và giá của những con tàu bọc thép hiện nay, có vẻ như
hạm đội sẽ chẳng có nhiều tàu đến nỗi phải chia nhỏ ra. Nhưng chia hay
không cũng không ảnh hưởng đến vấn đề chỉ huy cả nhóm, chỉ cần nhìn vào
nguyên tắc nền tảng của lí thuyết và bỏ qua sự bất tiện bề ngoài chiến thuật