trăm năm sau đó. Cuối cùng là khi các hạm đội không muốn làm rối loạn đội hình chiến đấu,
không tiến đến gần tàu địch và để mặc pháo binh giải quyết số phận của cuộc giao tranh.”
Trong đoạn văn này, tác giả quan tâm tới đặc điểm nổi bật của cuộc
chiến tranh diễn ra vào năm 1665, không chỉ giúp cho hoạt động của hoả
thuyền mà còn làm cho cuộc chiến tranh này trở nên đặc biệt thú vị trong
lịch sử chiến thuật hải quân. Đây là lần đầu tiên đội tàu chiến đậu sát vào
nhau được chấp nhận như đội hình chiến đấu của hải quân. Dễ hiểu là khi
những hạm đội này có số tàu chiến lên đến từ 80 đến 100 chiếc, như thường
thấy, thì cách sắp xếp như thế sẽ có nhược điểm lớn cả về khoảng cách giữa
các con tàu lẫn đội hình của chúng, nhưng cho dù có những khiếm khuyết
như thế thì mục đích của đội hình là rất rõ ràng. Người ta thường ca ngợi
công tước xứ York, sau này là Hoàng đế James II, vì cho rằng ngài chính là
người đã đưa ra những cải tiến về mặt đội hình như thế. Nhưng vấn đề ai là
người cải tiến ít có ý nghĩa đối với các sĩ quan hải quân hiện nay, nếu so
sánh với sự kiện đáng quan tâm là phải mất một thời gian rất lâu kể từ khi
xuất hiện thuyền buồm lớn, với những khẩu đội đặt trên mạn tàu, người ta
mới áp dụng một cách có hệ thống đội hình phù hợp nhất cho sự triển khai
toàn bộ sức mạnh của hạm đội, vì những con tàu có thể trợ giúp nhau, chúng
ta, những người đã nắm được tất cả các thành phần của bài toán, cùng với
những kết quả đã đạt được, thì kết quả có vẻ như là đơn giản, thậm chí rõ
ràng nữa. Tại sao những con người đầy năng lực thời đó lại cần nhiều thời
gian đến như thế? Nguyên nhân (và đây cũng là bài học cho các sĩ quan hiện
nay) – không nghi ngờ gì rằng cũng là lí do làm cho đội hình chiến đấu hiện
nay chưa được rõ ràng – là do phải đến khi Hà Lan gặp đội quân Anh cân
sức họ mới buộc phải quyết định. Ý tưởng về đội hình chiến đấu như thế là
rõ ràng và hợp lí. Mặc dù hải quân đã khá quen với ý tường này, nhưng cũng
xin dẫn ra ở đây một đoạn văn nữa của tác giả bên trên, vì ý kiến của ông
thật rõ ràng và chính xác, theo đúng kiểu Pháp:
“Cùng với sự gia tăng sức mạnh tàu chiến, với sự hoàn thiện khả năng di chuyển trên biển
và khả năng chiến đấu của nó, nghệ thuật sử dụng tàu chiến cũng có sự tiến bộ tương tự…