những tàu cướp biển mà không cần chi phí trực tiếp của nhà nước. Đây là kế
hoạch có sức hấp dẫn đặc biệt, có vẻ như còn tiết kiệm nữa. Thiệt hại nặng
nề đối với tài sản và sự thịnh vượng của kẻ thù cũng không thể phủ nhận, và
mặc dù ở mức độ nào đó các tàu buôn có thể tự bảo vệ bằng cách treo cờ
nước ngoài khi chiến tranh xảy ra, cuộc chiến tranh mà người Pháp gọi là
guerre de course, hay chúng ta gọi là tàn phá thương mại, chắc chắn sẽ làm
chính phủ đối phương lo lắng và làm cho dân chúng của họ lo sợ, đấy là nói
trong trường hợp cuộc chiến được thực hiện một cách có hiệu quả. Nhưng
cuộc chiến đó không thể diễn ra một cách đơn độc, dùng thuật ngữ quân sự
thì phải nói cần được hỗ trợ; bản thân không có đủ sức mạnh, nó không thể
vươn ra xa căn cứ của chính mình. Căn cứ phải là cảng trong nước hay tiền
đồn vững mạnh của quốc gia ở trên bờ hay giữa biển, tức là lãnh thổ thuộc
địa ở xa hay một hạm đội đầy sức mạnh. Không có sự trợ giúp như thế, tàu
tuần dương sẽ chỉ có thể thực hiện những vụ công kích vội vàng, không xa
hải cảng đồn trú là mấy, có thể gây ra thiệt hại nhưng không phải là chí tử.
Khác với chính sách năm 1667, lực lượng hải quân đầy sức mạnh của
Cromwell vào năm 1652 đã buộc các thuyền buôn Hà Lan phải nằm trong
cảng và đấy là lí do vì sao thời đó cỏ lại mọc đầy trên đường phố
Amsterdam. Sau khi những nỗi khổ đau của thời gian này đã dạy cho họ bài
học, Hà Lan đã xây dựng và ngay trong hai cuộc chiến tranh hao người tốn
của vẫn giữ trên biển những hạm đội lớn, mặc dù ngành thương mại của họ
bị thiệt hại nặng nề, họ vẫn chịu đựng được gánh nặng của cuộc chiến tranh
chống lại liên quân Anh-Pháp. Bốn mươi năm sau, bị kiệt quệ, Louis XIV
đành phải chấp nhận chính sách mà Charles II đã áp dụng. Đấy là thời đại
của những tên cướp biển nổi tiếng người Pháp như: Jean Bart, Porbin,
Duguay-Trouin, Du Casse và những người khác. Lực lượng hải quân Pháp
hầu như không xuất hiện trên mặt biển trong suốt cuộc chiến tranh giành
quyền thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha (1702-1712). Một nhà sử học chuyên
về lĩnh vực hàng hải nói:
“Không thể trang bị lại vũ khí cho lực lượng hải quân, Louis XIV gia tăng số tàu tuần tiễu
trên những khu vực có nhiều tàu bè qua lại, đặc biệt là tại eo biển Manche và biển Đức (không