nhà sử học Pháp viết về giai đoạn này (1696) của nước Anh như sau: “Tình
hình tài chính rất tệ hại, tiền nong khá hiếm, phí bảo hiểm trên biển lên đến
30%, Luật hàng hải hầu như không còn giá trị, tàu vận tải Anh phải treo cờ
Thuỵ Sĩ và Đan Mạch”
. Nửa thế kỉ sau, do thái độ thờ ơ đối với hải quân
diễn ra trong một thời gian dài, một lần nữa, chính phủ Pháp lại phải quay về
với chiến tranh bằng tàu tuần tiễu. Kết quả ra sao? Đầu tiên, một nhà sử học
Pháp nói: “Từ tháng 6 năm 1756 đến tháng 6 năm 1760, những tên cướp
biển người Pháp đã bắt được hơn 250 tàu buôn Anh. Trong năm 1761, mặc
dù không có một chiếc tàu chiến Pháp nào có mặt trên biển, và mặc dù Anh
đã bắt được 240 tàu cướp biển của ta, thế mà các chiến hữu của họ vẫn bắt
được 820 tàu Anh”. “Nhưng” – ông ta viết tiếp, “ta thu được nhiều chiến lợi
phẩm như thế bởi sự phát triển phi thường của ngành vận tải biển Anh”. Nói
cách khác, thiệt hại mà Anh phải chịu trong những vụ bắt giữ đó chắc chắn
đã gây ra cho các cá nhân nhiều thiệt hại và bất bình, nhưng trên thực tế đã
không cản trở được sự thịnh vượng của nhà nước và xã hội nói chung. Một
nhà sử học Anh nói về giai đoạn đó như sau:
“Trong khi nền thương mại Pháp hầu như đã bị phá huỷ hoàn toàn thì các đội thương thuyền
của Anh lại rong ruổi trên khắp các đại dương. Ngành thương mại gia tăng hằng năm, những
món tiền chi cho chiến tranh lại được các sản phẩm của ngành công nghiệp đưa về. Các nhà
buôn Anh đã sử dụng tới 8.000 chiếc thương thuyền.”
Và trong khi thống kê kết quả của cuộc chiến, sau khi đã đưa ra số tiền
khổng lồ mà những cuộc chinh phục ở nước ngoài đã mang về cho vương
quốc, ông viết tiếp:
“Nền thương mại Anh và sự thịnh vượng tăng dần từng năm, trong khi đang diễn ra cuộc
chiến tranh kéo dài, đẫm máu và tốn kém như thế là cảnh tượng chưa từng xảy ra với bất cứ
dân tộc nào trên thế giới”.
Mặt khác, một nhà nghiên cứu lịch sử hải quân Pháp, trong khi xem xét
giai đoạn đầu của cuộc chiến này, đã nói: