đột không thể tránh khỏi một cách dễ dàng hơn. Thương tích không thể lành
ngay khi Hoà ước Nimeguen được kí kết, nhưng “chiến tranh gây ra thiệt hại
như nhau cho cả nông dân, thương mại và ngành sản xuất cũng như các
thuộc địa; nhưng những điều kiện của hiệp ước hoà bình, tuy có lợi về mặt
lãnh thổ và lực lượng quân sự cho Pháp, lại mang về rất ít lợi ích cho các
ngành sản xuất vì thuế bảo hộ đã bị hạ thấp, có lợi cho Anh và Hà Lan,”
đấy cũng là hai cường quốc trên biển. Ngành vận tải biển bị ảnh hưởng
mạnh, sự phát triển lớn mạnh của hải quân hoàng gia – làm cho nước Anh
đố kị – chẳng khác gì một cái cây không gốc rễ, nó sẽ nhanh chóng lụi tàn
trước sức nóng của chiến tranh.
Trước khi kết thúc phần thảo luận về cuộc chiến tranh với Hà Lan,
cũng nên có một nhận xét ngắn gọn về bá tước D’Estrées, người được Louis
XIV bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng Pháp trong hạm đội liên quân, và cũng
là người chỉ huy lực lượng này trong trận Solebay và Texel, vì nó sẽ cho ta
thấy một phần chất lượng của các sĩ quan hải quân Pháp trong giai đoạn khi
mà kinh nghiệm chưa biến họ thành những người đi biển thực thụ. D’Estrées
xuống biển lần đầu tiên vào năm 1667, lúc đó ông đã là một người đứng
tuổi, thế mà năm 1672 ông đã là tổng tư lệnh một hạm đội quan trọng, chỉ
huy cả Duquesne, một sĩ quan từng phục vụ trong lực lượng hải quân gần 14
năm. Năm 1677, D’Estrées được nhà vua giao cho một hải đội gồm 8 chiếc,
ông ta phải tự nuôi đội tàu này với điều kiện sẽ nhận được một nửa chiến lợi
phẩm mà ông ta thu được. Ông ta đã đưa hải đội của mình tấn công đảo
Tobago thuộc Hà Lan, sự táo bạo của trận đánh này chứng tỏ rằng không
phải do thiếu dũng cảm mà ông ta đã có hành động khả nghi trong trận
Texel. Năm sau ông ta lại ra khơi và đã làm cho cả hải đội mắc cạn gần đảo
Aves Islands. Bản báo cáo của thuyền trưởng chiếc kì hạm trong đoàn vừa
khôi hài vừa rất đáng chú ý, ông ta viết như sau:
“Ngày mà hải đoàn bị mắc cạn, hoa tiêu đã đánh dấu vị trí của nó theo toạ độ của mặt trời,
cũng như mọi khi, phó đô đốc bảo họ vào buồng của ông. Khi tôi đi vào xem có chuyện gì thì
gặp hoa tiêu thứ ba, tên là Bourdaloue, đang vừa đi ra vừa gào lên. Tôi hỏi có chuyện gì thì anh
ta trả lời: ‘Vì tôi thấy thuyền bị lệch hướng nhiều hơn các hoa tiêu khác, đô đốc chửi bới và đe