“Thực ra, đây là hiệp ước chia cắt theo kiểu mới… William III, người điều khiển toàn bộ
công việc, không muốn vì khôi phục nguyên vẹn chế độ quân chủ Tây Ban Nha cho vị Hoàng
đế (tức Hoàng đế Áo – ND) mà phải làm cho Anh và Hà Lan kiệt quệ. Mục đích cuối cùng của
ông ta là không cho nhà vua mới, Philip V vươn ra ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha, bảo đảm cho
Anh và Hà Lan cả lợi ích trong quan hệ thương mại với những nước từng nằm trong thành phần
của chế độ quân chủ Tây Ban Nha cũng như những vị trí quan trọng về mặt quân sự và hàng
hải trong cuộc đối đầu với nước Pháp.”
Mặc dù chiến tranh là không thể tránh khỏi, nhưng các nước sắp tham
chiến tỏ ra lưỡng lự. Hà Lan sẽ không ra tay nếu không có Anh, và mặc dù
Anh rất căm Pháp, song các nhà sản xuất và thương lái vẫn còn nhớ rõ
những thiệt hại kinh hoàng trong cuộc chiến gần đây. James II lại qua đời
đúng vào lúc cán cân lực lượng đang dao động như thế. Mủi lòng và bị
người thân thúc giục, Louis XIV chính thức công nhận hoàng tử con James
II là vua Anh quốc. Trong khi người dân Anh lại tỏ ra giận dữ, vì họ coi đó
là mối đe doạ và sự nhục mạ, mọi tính toán đều bị họ bỏ qua một bên.
Thượng viện tuyên bố rằng, “không thể có an ninh trước khi kẻ tiếm đoạt
vương triều Tây Ban Nha chưa được dạy cho một bài học”. Viện thứ dân thì
đồng ý trang bị 50.000 lính bộ binh và 35.000 lính thuỷ, đó là chưa kể các
khoản tài trợ cho Đức và Đan Mạch nhằm trả công cho sự giúp đỡ của các
nước này, chẳng bao lâu sau, tức là vào tháng 3 năm 1702, William III cũng
qua đời; nhưng Hoàng hậu Anne đã tiếp tục chính sách của ông, cũng là
chính sách của nhân dân hai nước Anh và Hà Lan.
Louis XIV cố gắng đẩy lui một phần cơn dông tố đang đến gần bằng
cách tạo ra trong các quốc gia Đức một liên minh trung lập. Nhưng hoàng đế
(Áo – ND) đã khéo léo lợi dụng tình cảm dân tộc Đức và lôi kéo được về
phía mình viên Đại diện Toàn quyền ở Brandenburg bằng cách công nhận
ông ta là vua Phổ, và như vậy đã lập nên hoàng gia Tin Lành Bắc Đức, dĩ
nhiên các nhà nước Tin Lành khác sẽ xoay quanh hoàng gia này và đó sẽ là
kẻ thù không đội trời chung của nước Áo trong tương lai. Kết quả nhãn tiền
là nếu không kể Bavaria thì Pháp và Tây Ban Nha – sự nghiệp của họ được
gọi là cuộc chiến của hai ngai vàng – tham chiến mà không có đồng minh