trưởng, và sự tương đồng là có thực chứ không phải là sản phẩm của trí
tưởng tượng. Thêm nữa, cả hai loại – thuyền buồm và tàu chạy bằng hơi
nước – đều tính đến khả năng va chạm trực tiếp – thuyền buồm thì bắt sống,
còn tàu chạy bằng hơi nước thì lao thẳng vào nhằm đánh đắm tàu địch. Đó
đều là những nhiệm vụ cực kì khó khăn, vì muốn làm được phải đưa tàu đến
một địa điểm nhất định, còn súng thì có thể sử dụng từ rất nhiều điểm trên
một không gian rộng.
Vị trí của tàu và hạm đội của hai lực lượng đối địch so với hướng gió là
vấn đề có ý nghĩa cực kì quan trọng về mặt chiến thuật, và đây có thể là mối
bận tâm hàng đầu của thuỷ thủ thời đó. Đối với người quan sát hời hợt thì
bởi hướng gió không có ảnh hưởng gì tới tàu chạy bằng hơi nước cho nên
điều kiện tác chiến hiện nay không thể giống với quá khứ, và vì vậy mà bài
học của quá khứ cũng chẳng có giá trị gì. Xem xét một cách kĩ lưỡng những
điểm nổi bật của vị trí ở trên
và dưới chiều gió, là những điểm cốt yếu và
bỏ qua những chi tiết phụ, thì sẽ thấy đấy là quan niệm sai lầm. Điểm nổi bật
của tàu hay hạm đội ở đầu chiều gió là có thể tự quyết định tham chiến hoặc
không. Đến lượt nó lại kéo theo ưu thế của bên tấn công là có thể lựa chọn
phương pháp tấn công. Nhưng ưu thế này cũng kèm theo một số nhược
điểm; hoả lực bố trí không hợp lí, lại có thể bị đối phương tấn công bằng
hoả lực theo chiều ngang hoặc bắn lia và không thể sử dụng toàn bộ hoả lực
– tất cả điều này đều diễn ra trong khi đang tiến dần đến tàu địch. Tàu hoặc
hạm đội ở cuối chiều gió không thể tấn công, nếu không muốn rút lui thì nó
chỉ có thể phòng ngự và chấp nhận điều kiện chiến đấu do bên địch áp đặt.
Tuy nhiên, sự bất lợi này lại được bù đắp bằng lợi thế như dễ dàng giữ được
trật tự của các khẩu đội và có thể bắn liên tục, trong khi bên địch không thể
đáp trả, dĩ nhiên là trong một khoảng thời gian nào đó. Về mặt lịch sử,
những thuận lợi và khó khăn của bên ở đầu và bên ở cuối chiều gió đều có
tính chất hỗ trợ và tương đồng trong tất cả các chiến dịch tấn công và phòng
thủ thuộc mọi thời đại. Để có thể đuổi kịp và tiêu diệt được kẻ thù, bên tấn
công phải chấp nhận một số rủi ro và bất lợi; còn bên phòng thủ, đấy là nói
khi nó giữ chiến thuật phòng thủ, không chấp nhận rủi ro của cuộc tấn công,
vẫn giữ nguyên những vị trí đã được chuẩn bị cẩn thận từ trước và lợi dụng