điều kiện đã thay đổi, còn nguyên lí lại có cội nguồn từ trong bản chất của
sự vật, và mặc dù, khi điều kiện thay đổi thì việc áp dụng cũng thay đổi,
nhưng nó vẫn là tiêu chuẩn hoạt động mà người ta phải tuân theo nếu muốn
thành công. Nguyên lí của chiến tranh được phát hiện trong quá trình nghiên
cứu quá khứ; quá khứ, thông qua những thành công và thất bại, sẽ cho chúng
ta thấy những nguyên lí không hề thay đổi theo thời gian. Điều kiện tác
chiến và vũ khí thay đổi, nhưng để có thể đương đầu với điều kiện tác chiến
và sử dụng thành công vũ khí ta phải tôn trọng những bài học bất biến của
lịch sử trong chiến thuật của chiến trường hoặc trong những chiến dịch lớn
của chiến tranh được đưa vào trong thuật ngữ rộng hơn, gọi là chiến lược.
Nhưng chính trong những chiến dịch lớn bao trùm lên toàn bộ chiến
trường và trong những cuộc hải chiến bao trùm lên phần lớn địa cầu, bài học
của lịch sử càng rõ ràng và càng có giá trị vĩnh cửu vì điều kiện tác chiến
của chúng không thay đổi nhiều, chiến trường có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn,
khó khăn mà chúng tạo ra có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn, quân đội giao tranh
có thể đông hơn hoặc ít hơn, những cuộc chuyển quân có thể dễ dàng hay
khó khăn hơn một chút, nhưng đó chỉ là những khác biệt về mức độ chứ
không phải là khác biệt về bản chất. Khi những vùng hoang sơ nhường chỗ
cho văn minh, khi các phương tiện truyền thông gia tăng, khi các con đường
giao thông được xây dựng, khi các dòng sông đều có cầu, nguồn lương thực
thực phẩm tăng lên thì các chiến dịch sẽ được thực hiện một cách dễ dàng
hơn, nhanh hơn, trong những khu vực rộng lớn hơn; nhưng nguyên lí mà các
chiến dịch này phải tuân thủ thì vẫn không thay đổi. Khi quân đội không còn
phải hành quân bộ mà di chuyển bằng xe ngựa, và đến lượt nó, xe ngựa
được thay bằng đường sắt thì khoảng cách đã gia tăng, hay nếu muốn, ta có
thể nói rằng thời gian giảm đi; nhưng nguyên lí quyết định: điểm tập kết,
hướng chuyển quân, những vị trí cần phải tấn công, nhiệm vụ bảo vệ đường
giao thông vẫn như vậy. Như vậy là, trên mặt biển, việc chuyển từ những
con thuyền được chèo bằng tay di chuyển một cách chậm chạp từ hải cảng
này đến hải cảng kia sang những chiếc thuyền buồm lao vùn vụt trên khắp
các đại dương, và từ những chiếc thuyền buồm chuyển sang những con tàu
chạy bằng hơi nước thời hiện đại, chỉ làm gia tăng tầm hoạt động và tốc độ