phạm mà Anh đã và đang gây ra cho Tây Ban Nha. Gibraltar, Minorca và
Florida vẫn còn nằm trong tay Anh, không người Tây Ban Nha nào có thể
thanh thản khi vết nhục này chưa được rửa sạch.
Có thể dễ dàng tin – như các nhà sử học Pháp đã khẳng định – rằng
Anh cảm thấy bất an trước sự phát triển của hải quân Pháp và sẽ rất mừng
nếu có thể ngăn chặn được đúng lúc, nhưng thật khó có thể nghĩ rằng họ
muốn dùng sức mạnh quân sự cho mục đích đó. Trong những năm sau Hiệp
ước hoà bình Paris, một loạt bộ trưởng thay thế nhau trong những giai đoạn
ngắn ngủi, mà ông nào cũng chỉ quan tâm đến chính sách đối nội và những
vụ dàn xếp đảng phái chẳng có mấy ý nghĩa, là nguyên nhân khiến cho
chính sách đối ngoại của Anh trái ngược hoàn toàn với những hành động
mạnh mẽ, độc đoán nhưng minh bạch của Pitt. Những vụ rối loạn ở trong
nước, một hiện tượng thường thấy sau những cuộc chiến kéo dài, và trên hết
là sự tranh cãi với các thuộc địa ở Bắc Mỹ, bắt đầu từ năm 1765 với Luật
tem thuế (Stamp Act) mà mọi người đều biết, cùng với những lí do khác, đã
kìm hãm Anh. Trong thời Choiseul nắm quyền, ít nhất đã có hai lần mà nếu
ở Anh có một chính phủ kiên quyết, nhạy bén và không quá thận trọng thì
họ đã biến thành nguyên cớ để gây chiến rồi. Đặc biệt đó lại là những trường
hợp liên quan tới sức mạnh trên biển, mà đối với Anh thì đó chính là đối
tượng phải lo lắng và ghen tức hơn bất kì dân tộc nào khác trên thế giới. Quá
mệt mỏi vì những cố gắng nhằm chiếm đảo Corsica bất thành, năm 1764,
người Genoa lại một lần nữa đề nghị Pháp tái chiếm những hải cảng mà
Pháp từng có quân đồn trú vào năm 1756. Trong khi đó, người Corsica cũng
gửi sứ thần đến Pháp để xin cho hòn đảo này được độc lập, cống phẩm trả
cho Pháp tương đương với cống phẩm mà trước đây họ đã trả cho Genoa.
Cảm thấy không thể tái chinh phục hòn đảo, cuối cùng Genoa đã quyết định
nhượng lại cho Pháp. Sự việc được giải quyết bằng cách chính thức cho vua
Pháp thực thi quyền lực tối cao đối với tất cả các địa phương và hải cảng của
Corsica, như là sự bảo đảm cho những món tiền mà nước cộng hoà đã vay
của nhà vua. Việc nhượng lại quyền cai trị được thực hiện dưới hình thức thế
chấp, nhằm che giấu sự bành trướng của Pháp trước sự nhòm ngó của Áo và
Anh, khiến người ta nhớ đến sự chuyển giao có điều kiện và được che giấu