trong những trận đánh cụ thể, chiếm lấy những địa điểm cụ thể, coi những
mục tiêu cụ thể là mục tiêu chiến lược cuối cùng. Không cần phải ép những
người khác quan điểm với tác giả rằng chính sách đó, mặc dù có thể được áp
dụng cho những trường hợp ngoại lệ, song về nguyên tắc là sai; nhưng việc
rất nên làm là tất cả những người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo lực
lượng hải quân phải công nhận rằng có hai xu hướng, trái ngược hoàn toàn.
Một xu hướng, giống hệt như cuộc chiến giành các tiền đồn; xu hướng kia
nhắm vào lực lượng mà nếu tiêu diệt được nó thì tiền đồn sẽ bị bỏ trống, và
vì vậy mà trước sau gì cũng bị thất thủ. Sau khi đã phân biệt rõ hai xu hướng
như thế, cần phải xem xét kết quả của chúng bằng những ví dụ trong lịch sử
của Anh và Pháp.
Nhưng ban đầu, nhà vua mới của Pháp không có ý định ép buộc các vị
đô đốc của mình phải chấp nhận những quan điểm thận trọng như thế. Trong
chỉ thị được gửi đi từ Brest cho bá tước D’Orvilliers, lúc đó đang chỉ huy
hạm đội thứ nhất, vị bộ trưởng đã thay mặt nhà vua viết rằng:
“Nhiệm vụ của ông không phải là khôi phục lại vẻ huy hoàng một thời của quốc kì Pháp, tai
hoạ và sai lầm của quá khứ phải được khắc phục, phải có những trận đánh lẫy lừng thì hạm đội
mới mong làm được điều đó. Hoàng thượng có quyền hi vọng rằng các sĩ quan của Ngài sẽ cố
gắng hết sức mình… Dù hạm đội của nhà vua có rơi vào hoàn cảnh nào, Ngài hạ lệnh cho tôi
phải nói với ông cũng như tất cả các sĩ quan chỉ huy rằng tàu chiến của Ngài phải tấn công một
cách ngoan cường nhất, và trong bất cứ trường hợp nào cũng phải tự vệ đến hơi thở cuối cùng.”
Bản chỉ thị tiếp tục với tinh thần như thế, một sĩ quan Pháp – chúng ta
chưa nhắc tới quan điểm của ông về chính sách hải quân Pháp trong giai
đoạn này – nói về chỉ thị vừa nêu như sau:
“Ngôn ngữ ở đây khác hẳn với ngôn ngữ được dùng với các đô đốc trong cuộc chiến tranh
trước đây, vì sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng họ sẽ tự nguyện tuân theo hệ thống có tính phòng thủ
và nhút nhát đang thịnh hành trong chiến thuật hải quân thời đó. Chính phủ luôn luôn nghĩ
rằng, chi phí cho hải quân là rất tốn kém, rất hay chỉ thị cho các đô đốc phải đứng ở biển thật
lâu mà không được lao vào những trận đánh đã được chuẩn bị trước, thậm chí là tránh cả những
cuộc đụng độ chớp nhoáng vì rất tốn kém và có thể bị mất những con tàu khó thay thế được.