Tarragona, Lilybaeum, và Messina, bờ biển Italy ở gần Genoa, và những
pháo đài của quân đồng minh ở Marseilles và những vị trí khác; giả sử họ có
một đội quân có thể vượt qua được sa mạc – khi cần – còn quân địch thì yếu
hơn rất nhiều và vì vậy muốn tập trung quân thì buộc phải đi theo đường
vòng, người ta sẽ nhận ra ngay tình hình chiến sự và sẽ không cần dùng
những ngôn từ mạnh mẽ đến như thế để nói về giá trị và ảnh hưởng của lực
lượng đặc biệt đó của La Mã nữa. Mọi người cũng sẽ hiểu ngay rằng kẻ thù
của họ, dù yếu hơn rất nhiều, có thể đột kích vào lãnh thổ, có thể đốt phá
một số làng mạc hay tàn phá sạch mấy dặm gần khu vực biên giới, thậm chí
cướp các đoàn xe tiếp tế, mà không hề đe doạ được con đường giao thông.
Bên tham chiến có lực lượng hải quân yếu hơn cũng vẫn thường thực hiện
những chiến dịch cướp bóc như thế, nhưng những chiến dịch cướp bóc đó
không thể nào biện hộ được cho kết luận không phù hợp với những sự kiện
mà ai cũng biết. Đó là kết luận cho rằng dường như “có thể nói rằng cả La
Mã lẫn Carthage đều không nắm được quyền làm chủ tuyệt đối trên mặt
biển” vì “hạm đội La Mã thỉnh thoảng có ghé thăm bờ biển Phi châu, còn
hạm đội Carthage cũng xuất hiện ngoài bờ biển của Italy”. Trong trường hợp
chúng ta đang xem xét, hải quân đóng vai trò của lực lượng vượt trội trên sa
mạc giả định vừa nói. Nhưng lực lượng này dựa vào một thành tố xa lạ đối
với đa số người cầm bút, vì từ xa xưa những người hoạt động trên biển đã là
những người xa lạ, họ không có những nhà tiên tri của mình, cho nên ảnh
hưởng quyết định của họ đối với lịch sử thời đó đã bị người đời bỏ qua. Nếu
luận cứ ở trên là đúng thì bỏ sức mạnh trên biển ra khỏi danh mục những tác
nhân chính của các sự kiện lịch sử cũng như tuyến bố rằng nó là độc nhất vô
nhị đều vô lí như nhau.
Các ví dụ ở trên được lấy ra từ những giai đoạn rất xa nhau, cả trước và
sau giai đoạn sẽ được xem xét trong tác phẩm này, nhằm minh chứng cho sự
thú vị nội tại của đề tài và tính chất của những bài học mà lịch sử có thể dạy
cho chúng ta. Như đã nói ở trên, bài học lịch sử ở đây thường thuộc lĩnh vực
chiến lược hơn là chiến thuật, chúng thường liên quan đến quá trình thực
hiện chiến dịch hơn là các trận đánh, và vì vậy nó có giá trị lâu dài. Jomini,
một người có uy tín lớn trong lĩnh vực này, từng nói: “Nhân dịp tôi đến Paris