Liên quan đến vấn đề chiến lược, có thể khẳng định một cách rõ ràng
rằng cụm từ “mục tiêu tối hậu” hàm chứa sai lầm chính yếu nhất của chính
sách hải quân liên minh. Mục tiêu tối hậu làm cho hi vọng của liên quân trở
thành con số không, vì trong khi chăm chú tập trung vào mục tiêu này họ lại
bỏ qua một cách thiếu suy nghĩ con đường dẫn đến mục tiêu. Nôn nóng đạt
được mục tiêu – hay nói đúng hơn, nôn nóng giành được những lợi thế, dù là
lớn nhưng có giới hạn, do mục tiêu đó đề ra – làm cho liên quân không nhận
ra những phương tiện duy nhất có thể dẫn đến những mục tiêu này. Vì vậy,
kết quả là ở đâu họ cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Xin trích dẫn lại kết
luận đã nói ở trên, mục tiêu của liên quân là, “trả thù cho những sự xúc
phạm mà họ phải chịu và đặt dấu chấm hết cho sự thống trị tàn bạo trên biển
mà Anh vẫn đòi”. Việc báo thù chẳng mang lại lợi ích gì cho liên quân. Họ
đã giải phóng được Mỹ, như thế hệ lúc đó suy nghĩ, là đã làm Anh thiệt hại
rồi. Nhưng họ không khôi phục được quyền lợi của mình ở Gibraltar và
Jamaica, hạm đội Anh chưa bị thiệt hại đến mức có thể đánh mất phần nào
sự tự tin thái quá của mình; sự trung lập về mặt quân sự của các quốc gia
phía Bắc được cho qua mà không để lại dấu vết gì, còn quyền kiểm soát mặt
biển của Anh chẳng mấy chốt đã trở nên tàn bạo hơn và tuyệt đối hơn trước.
Bỏ qua vấn đề huấn luyện và quản lí cũng như khả năng tác chiến của
hạm đội liên quân so với hạm đội Anh, và chỉ xem xét sự kiện không thể
tranh cãi là liên quân vượt trội hẳn về mặt quân số, cần phải ghi nhận rằng
liên quân là bên tấn công còn Anh là bên phòng thủ, đó là nhân tố quan
trọng nhất của cuộc chiến tranh này, nhưng cách hành xử của liên quân khi
gặp hải quân Anh thì lại thường có tính phòng thủ. Cả trong những chiến
dịch phối hợp mang tính chiến lược lớn lẫn trên chiến trường người ta đều
không thấy họ có ý định sử dụng lực lượng vượt trội về mặt quân số nhằm
tiêu diệt những đơn vị riêng lẻ của hạm đội đối phương, làm cho sự chênh
lệch càng lớn hơn, đập tan quyền bá chủ trên biển bằng cách tiêu diệt lực
lượng có tổ chức đang nắm quyền bá chủ đó. Trừ Suffren, ông này là một
ngoại lệ nổi bật, hải quân liên minh thường tránh hoặc chấp nhận chiến đấu
mà không bao giờ buộc đối phương phải tham chiến. Nhưng, trong khi hải
quân Anh còn được đi lại trên khắp các đại dương mà không bị trừng phạt