Ngày nay, cuộc chơi biển trên thế giới đã phát triển đến mức một quốc
gia không có biển như Thụy Sỹ cũng trở thành cường quốc vận tải biển. Bài
toán đặt ra cho một nước có 3.260 km đường bờ biển như Việt Nam thực ra
là một bài toán rất cũ. Chúng ta sẽ phát triển theo hướng nào khi đã cơ bản
khai thác cạn kiệt những tài nguyên trên đất liền? Câu trả lời gần như chỉ có
một. Điều rất rõ ràng là tương lai thịnh vượng của Việt Nam không còn nằm
trên rừng nữa, bởi rừng đã hết vàng.
Lựa chọn những học thuyết, cơ sở lí luận nào để hoạch định chiến lược
biển là việc không dễ dàng. Những món nợ khổng lồ của hai tập đoàn kinh
tế biển Vinashin và Vinalines, sự manh mún của các cảng biển, cuộc vật lộn
của những ngư dân ra khơi trên những chiếc tàu bằng gỗ và sức mạnh hải
quân không thể nói là mạnh của Việt Nam đã cho chúng ta những bài học
lớn về tư duy chiến lược biển. Rõ ràng, vai trò có tính chất trụ cột của nhà
nước đối với sức mạnh trên biển của một quốc gia mà A.T. Mahan đã chỉ ra
không chỉ đúng với các nước Âu, Mỹ. Cuốn sách này có trở thành một tham
chiếu lí luận cho các chiến lược biển của Việt Nam hay không, sẽ phụ thuộc
nhiều vào sự tìm hiểu và ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo. Theo thời
gian, cách “chơi” trên biển có thể khác đi, nhưng bản chất của nó dường như
không thay đổi. Những bài học lịch sử trong cuốn sách này sẽ giúp cho
chúng ta có một tư duy đầy đủ hơn về thế giới mà chúng ta đang và sẽ trải
qua, nơi Việt Nam buộc phải lựa chọn cho mình một hệ thống thái độ hết
sức rõ ràng trước sự hình thành của một trật tự chiến lược mới mà trọng tâm
của nó là Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhà báo Trịnh Hữu Long