khốc với Anh kéo dài tám tháng vào năm 1653-1654, làm ngưng trệ ngành
vận tải biển, người ta nói rằng: “Nguồn lợi nhuận luôn luôn giữ cho đất
nước giàu có, cụ thể là nghề cá và nghề buôn, đã cạn kiệt. Nhà máy đóng
cửa, công việc bị đình trệ. Zuyder Zee trở thành rừng cột buồm, người ăn
xin đầy đường, cỏ mọc cả trên đường phố, ở Amsterdam có một ngàn năm
trăm ngôi nhà bỏ hoang.” Họ buộc phải chấp nhận hiệp ước hoà bình với
những điều kiện nhục nhã, nhưng điều đó đã tránh cho họ khỏi bị phá sản
hoàn toàn.
Kết quả đáng buồn này cho thấy điểm yếu của một đất nước phải phụ
thuộc hoàn toàn vào nguồn lực bên ngoài mới giữ được vai trò của mình trên
thế giới. Nếu không kể khá nhiều ngoại lệ do sự khác biệt về điều kiện,
không cần nói tới ở đây, lúc đó Hà Lan có nhiều điểm tương đồng với tình
trạng của nước Anh hiện nay. Những người cảnh báo rằng sự thịnh vượng
của nước Anh trước hết phụ thuộc vào việc gìn giữ sức mạnh của họ ở nước
ngoài đúng là những nhà tiên tri, mặc dù dường như ở trong nước, họ không
được nhiều người kính trọng lắm. Người ta có thể bất mãn vì không được tự
do về mặt chính trị, nhưng họ còn bất mãn hơn nếu không có đủ bánh mì.
Đối với người Mỹ, cần nói thêm rằng những nguyên nhân như đất đai rộng
lớn và trù phú, phong cảnh nên thơ đã đưa nước Pháp đến kết quả như ta đã
biết – đó là nói về sức mạnh trên biển của nó – cũng đang diễn ra ở Mỹ.
Khởi thuỷ, tổ tiên của người Mỹ chỉ có một dải đất hẹp ven biển, một số khu
vực khá màu mỡ nhưng chưa phát triển, có nhiều bến cảng và gần các ngư
trường. Những điều kiện tự nhiên như thế cùng với lòng yêu biển cả bẩm
sinh, nhịp đập của dòng máu Anh vẫn còn trong huyết quân người Mỹ,
khuyến khích họ giữ vững các xu hướng và nghề nghiệp làm chỗ dựa cho
sức mạnh trên biển của đất nước. Hầu như khu định cư ban đầu nào cũng
nằm ven biển hoặc nằm cạnh một trong những con sông lớn. Tất cả hàng
xuất và nhập khẩu đều hướng đến bờ biển. Mối quan tâm đến biển và việc
đánh giá đúng vai trò của nó đối với sự thịnh vượng của đất nước đã lan
truyền nhanh chóng và rộng khắp trong xã hội. Động cơ có sức thuyết phục
hơn đó là sự lo lắng về quyền lợi của xã hội. Cụ thể là, sự có sẵn vật tư đóng
thuyền và lợi nhuận thấp trong các lĩnh vực đầu tư khác khiến việc vận tải