lạc với một nhân viên của CIA không di tản, vẫn còn ở lại, đang nằm vùng ở tỉnh Z – một trong những
tỉnh có địa bàn chiến lược trọng yếu.
Điều đáng quan tâm hơn nữa: theo lời khai của Hải Cẩu, nó được biết nhân viên CIA này đang hoạt
động ở trong các lực lượng quân đội.
Lời khai của tên đột nhập không những đã ăn khớp mà còn như bổ sung thêm cho tin của chiến sĩ
điệp báo chiến lược của ta.
Không còn nghi ngờ gì nữa: một gián điệp CIA đang nằm ở tỉnh này. Không những thế lại nằm trong
quân đội ta. Như vậy, hiển nhiên đây là một chuyện rất nghiêm trọng .
Trong công tác tình báo gián điệp “đánh người vào” là một việc được coi như hết sức khó khăn và tốn
kém. Nhưng lại rất lợi hại, nếu không muốn nói là vô cùng lợi hại, hoặc lợi hại nhất.
Chúng ta đã thường khám phá được những tên gián điệp của CIA trong hàng ngũ cách mạng, thậm
chí trong lực lượng vũ trang. Nhưng hầu hết những tên ấy là loại gián điệp được “móc nối”, tức là
những tên vốn trước là người của ta, sau bị địch mua chuộc hoặc sa đọa mà bán mình làm việc cho
địch. Loại này không bao giờ được tin tưởng và đánh giá cao bằng loại được từ ngoài “đánh vào”.
Đây là một trường hợp rất hiếm và cũng rất hiểm. Một tên gián điệp đã được “đánh vào” lực lượng vũ
trang ta. Nó có thể đã chui sâu và leo cao.
Một điều đáng chú ý nữa: nay CIA tung người trở về bắt liên lạc với nó, vậy có nghĩa là CIA đang
muốn làm một việc gì đó, đang cần tới nó. Trước hết, có thể sơ bộ hiểu: Cách mạng Cam-pu-chia vừa
thắng lợi, đánh đuổi được bọn diệt chủng Pôn Pốt. Tiếp ngay đó trên toàn tuyến biên giới phía bắc xảy
ra chiến sự. Như vậy tình hình Đông Dương hiển nhiên đang có những biến động. Vậy Mỹ không thể
ngồi yên. Do đó, CIA lại đẩy mạnh hoạt động.
Chính vì vậy mà “Chương trình Anh Đào 1” đã được tức khắc soạn thảo. Rồi Mẫn được quyết định
tăng phái cho địa phương. Cũng chính vì vậy hôm nay Mẫn có mặt ở tỉnh này. Mẫn hiểu anh được đưa
về đây vì thời chống Mỹ anh đã từng làm chiến sĩ chiến đấu trên địa bàn tỉnh này từ 1970, tới 1973 thì
được điều về làm chỉ huy phó đội bảo vệ của phân khu, cho tới xuân 1975. Anh đã khá thuộc đất, thuộc
người ở đây hơn bất cứ đồng chí nào khác đang cùng ở cơ quan nghiệp vụ.
Trước khi lên đường, Mẫn đã được anh Mười thủ trưởng cơ quan cho biết một số điều cụ thể rất cần
thiết cho công việc sắp tới: tên Hải Cẩu đã nộp một gói, mở ra trong đó, có một cuốn sách in những bài
hát thời tiền cách mạng. Nhưng cơ quan kỹ thuật của ta đã nghiên cứu và kết luật đây là một bản khóa
mật mã rất mới lạ và phức tạp. Hải Cẩu còn nộp một chiếc đồng hồ đeo tay của Thụy Sĩ sản xuất từ
thập kỷ 50, dây đeo không bằng kim loại như các dây đeo đồng hồ thịnh hành hiện nay mà bằng da. Cơ
quan kỹ thuật nghiên cứu không thấy có gì khả nghi là một loại máy VTĐ thu hoặc phát. Nó hoàn toàn
là một chiếc đồng hồ thường và đã lạc mốt. Chỉ riêng chiếc dây da là còn mới, trên có in nổi một dãy
lạc đà rất vui mắt, và các đinh chốt đều mạ vàng. Xét hóa nghiệm, sợi dây hoàn toàn là da nai thuộc,
không có một tác dụng gì ngoài tác dụng để đeo.
Hải Cẩu còn khai rõ: Giêm – tên Mỹ CIA “sếp” của nó đã hướng dẫn: khi vào được đất liền, Hải Cẩu
phải tìm tới thành phố Z. Nhân viên mà nó cần gặp đang ở đó. Nhưng vì nguyên tắc bí mật, thêm nữa
nhân viên đó lại đang hoạt động trong quân đội cho nên không có địa chỉ cụ thể, cố định. Hải Cẩu sẽ
phải tìm tới một quán cà phê nhỏ mang tên Tuổi Mộng. Tới đó, dùng mật khẩu liên lạc với người chủ
quán. Khi bắt được liên lạc với cơ sở ấy, Hải Cẩu sẽ được chỉ cho người mà nó cần gặp (hoặc hướng đi
để tìm người đó). Khi tìm được người này, nó lại dùng mật khẩu (đã được học thuộc lòng) rồi đưa một
tín vật ra so sánh. Tín vật đó là một nửa chiếc vòng đồi mồi. Nếu người kia cũng có tín vật như vậy, Hải
Cẩu sẽ trao cuốn sách hát và chiếc đồng hồ, rồi dặn người đó phải đeo chiếc đồng hồ thường xuyên trên