Mẫn nhận ra ngay ông trung tá. Đó là ông Năm Cường – tham mưu trưởng, một người chỉ huy đã nổi
tiếng dũng cảm, ngổ ngáo của tỉnh từ thời chống Mỹ. Khi còn làm đội phó cảnh vệ ở phân khu, Mẫn đã
từng quen biết ông. Anh giơ tay lên mũ chào. Ông Năm reo to một tiếng, rồi lao tới, ôm choàng lấy
Mẫn, siết chặt và vỗ bồm bộp vào lưng anh:
- Ôi chao thằng Mẫn! Thằng Mẫn! Tao đang họp thì được nghe nói mày mới vô đây. Chà, năm sáu
năm rồi còn gì hả, Mẫn?...
Hết sức mừng rỡ và cởi mở, Năm Cường cứ ồn ào mãi rồi mới sực nhớ ra, quay lại phía anh đại úy đi
cùng:
- Quên, giới thiệu nhá: đây là Trần Mẫn, trong chiến tranh là đội phó cảnh vệ phân khu ta; trước khi
đi bộ đội đang học dở đại học. Cũng là tay có chữ đấy chứ bộ! Còn đây là đại úy Lê Vi cán bộ tham
mưu.
Thì ra đây là Lê Vi, một trong những người chủ chốt của chiến dịch “An dưỡng” vừa qua! Mẫn hết
sức vui. Anh siết chặt tay Lê Vi. Tuy mới gặp nhau nhưng anh đã cảm thấy hai người rất dễ trở nên thân
thiết. Chỉ riêng tuổi trẻ cũng đã đủ làm cho đôi bạn mới dễ gần nhau rồi. Lê Vi ân cần thăm hỏi. Khi
được biết rõ Mẫn muốn kết hợp công tác với việc xây dựng gia đình nên đã xin được chuyển hẳn vào
đây, Lê Vi càng tỏ ra vui hơn. Anh khen chủ trương của Mẫn là đúng và thức thời. Anh sốt sắng tự giới
thiệu: vốn là người cũng hoạt động lâu năm ở vùng này gần suốt cả thời chống Mỹ, có lẽ còn lâu hơn cả
Mẫn, nên bạn bè rất nhiều, ở các huyện đều có, ở thành ủy, ủy ban thành và ở cả công an cũng có. Anh
hứa sẽ giúp Mẫn xin đất để làm nhà, và nhập hộ khẩu… Theo anh nghĩ những việc đó không có gì khó
lắm đối với anh. Đó là chưa tính tới uy tín và thế lực của tham mưu trưởng Năm Cường: một khi ông
cũng ra tay giúp đỡ thì việc gì cũng có thể xong hết. Mẫn thành thực cám ơn cả hai người. Lê Vi chỉ
băn khoăn một điều: Anh không hiểu sao bây giờ Mẫn mới xin vào đây. Như thế theo anh hơi trễ.
Những người vào sớm hơn đã kiếm được những chỗ tốt nhất. Bây giờ dẫu sao cũng không thể như họ
được. Mẫn phải giải thích vì vợ con anh cứ chần chừ mãi, nay chị mới đồng ý đi. Chị còn đang ở quê
nhà để bán đồ đạc, đợi khi nào Mẫn có thư về báo đã chuẩn bị xong, chị mới đem con vào. Chuyện trò
một lúc, tham mưu trưởng Năm Cường đứng dậy, giục Lê Vi đi. Ông muốn để cho Mẫn đi ăn cơm khỏi
trễ, và công việc cũng đang đợi ông cùng Lê Vi. Ông bắt tay tạm biệt Mẫn, hẹn anh chủ nhật phải tới
ông chơi. Lê Vi cũng dặn anh như vậy. Năm Cường ghé tai Mẫn thân mật cho biết thêm:
- Lê Vi nó đang bận lắm. Hắn đang phải lao vào việc tham gia với bên công an truy quét nốt tàn dư
của bọn “Mặt trận”. Lại còn đang chủ động đề xuất một phương án đánh địch nữa, nhằm vào bọn phản
động đội lốt và núp trong các tổ chức tôn giáo… cái này còn lớn hơn cái “An dưỡng” nhiều! Tuy vậy,
hắn đã hứa giúp cậu là không bao giờ quên đâu. Tay này cực tốt với mọi người. Đức tính này đã làm
hắn nổi tiếng từ lâu, trước cả khi nổi tiếng về cái vụ “Mặt trận” vừa rồi.
Mẫn cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thư thái. Cuộc gặp gỡ Năm Cường và Lê Vi đã đem lại cho
anh ít nhiều niềm vui và ấm áp. Anh nhìn theo hai người và không khỏi thầm bật lên một ao ước mà
chính anh cũng đã hiểu được là vô lý, là ngây thơ và hoàn toàn không được phép: “Giá mà ta sẽ được cả
sự giúp sức, và phối hợp của hai anh này trong công tác sắp tới thì hay biết mấy!”.
Mẫn bước vào phòng ăn. Khá đông. Ồn ào. Đầy mùi ma gi, xì dầu. Nhìn lướt qua một lượt, Mẫn càng
thấy rõ: hầu hết, gần như tuyệt đại bộ phận là cán bộ, chiến sĩ mới, có khá nhiều công nhân viên nữa.
Và cũng ngay tức khắc, Mẫn bỗng cảm thấy khó chịu: dường như tất cả mọi người trong cái phòng ăn
đông đúc này đều đổ dồn mắt nhìn anh. “À, một người mới về!”. Quả là tò mò! Nhưng có phải chỉ là tò
mò không nhỉ? Trong hơn một trăm cặp mắt kia liệu có cặp mắt bí mật nào đang nhanh chóng “chụp
ảnh” anh ngay trong giây phút đầu tiên xuất hiện này không? Thật vậy, làm sao có thể bảo đảm tuyệt