đối rằng: ngay từ khi anh đặt chân tới đây đã không có những con mắt dõi theo bám sát anh từng giây,
từng phút?
Ý nghĩ ấy đã làm cho Mẫn ăn bữa cơm tập thể vốn đã đạm bạc, càng thêm như nhai trấu. Chỉ có một
vài cán bộ quen cũ, tới bắt tay anh. Và, cũng lạ, người nào cũng đều tỏ ra ngạc nhiên: Sao anh vào quá
muộn? Sao anh không vào từ 1976, 1977? Đã muộn còn vào làm gì? Miếng thơm hết rồi, chỉ còn toàn
xương xẩu.
Bước ra khỏi phòng, Mẫn bỗng có ngay một ý nghỉ: nên chuyển đi một nơi khác, nên “biến” đi một
nơi nào đó, để xóa ngay, xóa đi càng sớm càng tốt, bộ mặt lạ hoắc của mình ở nơi này…
2
Một tổ viết sử chiến tranh của tỉnh đã được thành lập, gồm ba người: Trần Mẫn là tổ trưởng vì có
quân hàm cao nhất, hai tổ viên là thượng úy Võ Trần và trung úy Thái Thanh Long. Võ Trần tuổi gần
như Mẫn, Thái Thanh Long còn rất trẻ. Cả Võ Trần và Thái Thanh Long đều là người trong này. Tổ
“viết sử” được cấp một phòng làm việc riêng, khá yên tĩnh ở cuối dãy nhà của cơ quan chính trị. Cả ba
người bắt tay vào làm việc liền. Mọi người chung quanh đều nhận thấy họ sớm thân nhau, và làm việc
có vẻ rất tâm đầu ý hợp. Họ được đích thân đồng chí thiếu tướng chỉ huy trưởng tới thăm hỏi và động
viên. Ông vui vẻ tuyên bố với tất cả mọi người: Ông là người rất mê sử. Ông rất coi trọng việc giáo dục
truyền thống cho bộ đội. Và cũng đích thân ông trực tiếp giải quyết hầu hết những yêu cầu về công tác
mà tổ viết sử đề ra.
Ngoài yêu cầu về tài liệu, tổ viết sử còn có một yêu cầu xin được chuyển ra thành phố Hồ Chí Minh
để làm việc. Lý do: ở đó tuy xa tỉnh nhưng lại là trung tâm có khá đủ tài liệu cả của ta và cả của địch về
chiến tranh. Thêm nữa ở đó, dễ gặp gỡ, dễ mời tới để tiếp xúc với nhiều cán bộ chiến đấu cũ của tỉnh
nay đã phân tán đi nhiều địa phương khác suốt từ miền Đông, tới miền Tây Nam Bộ, kể cả miền Cực
Nam Trung Bộ. Nếu tổ viết sử chỉ ngồi ở thành phố Z thì chỉ riêng việc phải đi lại các nơi để gặp gỡ
cán bộ cũ và thu thập tài liệu cũng đã đủ hết hơi và vô cùng tốn kém. Đó là chưa tính tới việc còn phải
ngày ngày sục vào các kho lưu trữ to như núi ở thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cho ra tất cả những
gì có liên quan tới công cuộc chiến đấu chống Pháp rồi chống Mỹ của tỉnh Z suốt mấy chục năm
ròng…
Đề nghị này của tổ sử cũng được chấp nhận. Cuộc dàn xếp đã được thực hiện khá mau lẹ. Ba gian
phòng trên lầu bốn rất yên tĩnh của một ngôi nhà khách ở thành phố Hồ Chí Minh đã được thu xếp để
cho tổ viết sử tới ở và làm việc. Một chuyến xe do đích thân Võ Trần trực tiếp chỉ huy đã chở tất cả tài
liệu, báo cáo và chiến lệ… tới nơi làm việc mới của tổ viết sử. Các hòm tài liệu đều bằng sắt, có khóa,
và được niêm phong cẩn thận.
Võ Trần cùng tài liệu rời thành phố Z trước. Trần Mẫn vẫn còn ở lại. Anh chờ Thái Thanh Long. Thái
Thanh Long đi đâu? Mọi người chung quanh không mấy ai để ý. Nếu có, người ta cũng chỉ hiểu rằng
anh đang đi chạy tài liệu hoặc đi tìm gặp những cán bộ chiến sĩ cũ đã phục viên hoặc chuyển ngành
đang còn ở chung quanh thành phố này.
Mẫn xem lại lịch làm việc thấy Thái Thanh Long đã trễ một ngày. Có chuyện gì vậy? Tuy mới làm
việc với nhau, nhưng Mẫn đã rất mến, rất tin chàng trai nhiệt tâm, sôi nổi và cực kỳ tháo vát này. Mẫn
còn nhận thấy ở Thái Thanh Long một ý thức kỷ luật rất tốt. Đã nhận làm việc gì, Long làm đến nơi đến
chốn và rất đúng hẹn. Giữ lời hứa, đối với Thái Thanh Long còn là một biểu hiện của tinh thần danh dự,
ý thức tự trọng mình cũng như tôn trọng người khác. Tuy nhiên, Mẫn cũng cảm thấy Long nhiều lúc