Bên nhau một ngày tới tận khi mặt trời lặn sau núi thì mới quyến
luyến chia tay. Phó Nguyên Tranh cố ý muốn đứng đầu ngõ nhìn
theo cô vào nhà, mà khi nhìn theo bóng cô càng đi càng xa, hắn chợt
rất muốn, rất muốn đến cầu thân ngay tức khắc.
Khi về nhà, hắn gặp Phó Nguyên Đạc vừa từ cung về ở ngoài
cổng. Lúc này hắn ta mặc quần áo một màu đỏ, không giống với lúc
đi. Phó Nguyên Tranh liền biết đây chắc là được thánh thượng ban
thưởng. Không đợi hắn hỏi thì Phó Nguyên Đạc đã lên tiếng:
“Thưởng trang phục đỏ, cùng đãi ngộ quan viên ngũ phẩm.” Giọng
nói đều đều, không rõ là vui hay buồn.
“Chúc mừng tứ ca.”
Phó Nguyên Đạc nhìn hắn, ho khẽ vài tiếng rồi nói giọng khàn
khàn: “Năm tới là năm thi lớn, tới lúc đó thì đến lượt ta chúc mừng
đệ.”
Hắn nghe vậy thì lòng hơi chua xót, nhưng lời ra đến miệng chỉ
còn một câu: “Cảm ơn lời may mắn của tứ ca.”
Phó Nguyên Đạc đi sớm về muộn liên tiếp mấy ngày liền. Phó
Nguyên Tranh thì ở nhà yên tâm đọc sách. Hắn và Uyển Ngọc đã
hẹn với nhau rằng ngày tên đề bảng vàng cũng là ngày đưa sính lễ.
Hôm nọ, hắn từng tặng cô chiếc vòng ngọc mà mẫu thân để lại, và
cô cũng hứa là sẽ đáp lễ.
Trưa hôm nay, có người hầu đưa đến một hộp gỗ tinh xảo, nói là
một vị công tử tặng cho Lục thiếu (VD: chính là Phó Nguyên Tranh).
Hắn hơi nghi hoặc, hỏi đi hỏi lại thì người hầu cũng chẳng cho được
câu trả lời hữu dụng nào cả. Hắn bèn cho lui, đem hộp vào phòng
rồi mở ra nhìn. Là một cái bình vai hẹp, thân thon. Ở phần bụng có
một đôi phượng hoàng giang cánh, đầu ngẩng cao, đuôi chim tung
bay, rất hợp với những hoa văn ở cổ bình, trông vô cùng sống động.
Điều làm hắn ngạc nhiên và vui nhất đó là ở chỗ khuất phần bụng
còn có khắc bốn chữ: Thiên trường địa cửu. Hắn bật cười, cái bình
này thường là loại đựng rượu, “thiên tàng địa tửu”*, “thiên trường
địa cửu”** đúng thật là có ý nghĩa khác.