- Thưa không.
Trầm ngâm mấy phút, Thành hỏi tiếp:
- Xin ông Giám Đốc cho biết ông Đặng văn Thụ là người như thế nào.
- Thưa, ông Thụ là một trong số mấy người bạn học thân của tôi. Anh
em chơi với nhau từ ngày còn nhỏ, từ hồi “còn để chỏm” như người ta
thường nói. Gia đình khá giả, ăn học đàng hoàng. Rồi ra đời, mỗi người đi
một lối, tôi buôn bán, anh ấy làm công chức. Hiện giữ một chức chủ sự
khiêm tốn ở Nha Xây Cất.
- Theo ông thấy, ông Thụ có nhiều kẻ thù không?
- Không có đâu, ông Quận trưởng. Anh ấy hiền khô, người ta kêu là
“hiền như bụt”. Làm sao anh ấy có kẻ thù cho được?
- Biết đâu không vì tranh giành quyền lợi nọ kia? – Thành vẫn hỏi gặng.
- Tôi không rành về nhiệm vụ của anh ấy ở công sở, nhưng dường như
anh ấy cố tình không nhận những chức vụ có ít nhiều quyền hành hay có
liên quan đến tiền bạc.
- Còn chị ấy – bà Vân tiếp lời chồng – chị ấy cũng không chịu bon chen
như người ta. Gia cảnh thanh bạch thì chỉ biết thu va thu vén cho đỡ túng
thiếu chứ không thèm làm áp phe hay hụi hè gì với ai hết.
Thành nhận một điếu thuốc thơm đầu lọc do Vân mời, châm hút, suy
nghĩ thật lung trước khi nói bằng một giọng ôn tồn nhưng nghiêm trọng:
- Vì quyền lợi của chính ông bà, ông bà cần cho tôi biết thật rõ những
điểm đặc biệt dính dáng đến ông Thụ, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng được. Một
thói quen, một biệt tài hay một tật xấu độc đáo nào của ông ta cũng có thể
giúp ích rất nhiều cho cuộc điều tra. Một thói xấu của đương sự không nhất
thiết làm hại đương sự đâu. Trái lại, nó có thể là một sợi dây hữu ích giúp
cho nhà chức trách phăng lần ra manh mối…
Ông Vân cười nói:
- Anh Thụ có nhiều nết tốt, những tính tốt thông thường của một gia
trưởng, của một công chức, tưởng chả có gì đáng nhấn mạnh. Về biệt tài…
à, anh ấy có tài làm ảo thuật.
- Làm ảo thuật? – Thành ngạc nhiên hỏi.
- Vâng, chả biết anh ấy học lỏm được ở đâu, nhưng biểu diễn cũng xôm
trò lắm. Nhiều bữa tiệc vui nhờ tài mọn của anh ấy mà nổi đình đám. Như