3. Tính lưỡng phân của hiện hữu Kitô giáo, vương quốc
Thiên Chúa và vương quốc của Caesar
Có một lời nói của Đức Kitô mà ở trong đó tính lưỡng phân không tránh
khỏi này và không thể khắc phục được của tồn tại Kitô giáo thể hiện ra thật nổi
bật. Lời nói ấy được suy diễn theo đủ mọi kiểu, - là ngọn nguồn của những cám
dỗ to lớn nhất và thường là của trá ngụy to lớn nhất trong lịch sử tư tưởng Kitô
giáo - đó là lời dạy “trả lại cho Caesar cái của Caesar, và trả lại cho Thượng Đế
cái của Thượng Đế”. Tầm hồn con người vốn muốn theo lời Đức Kitô bất giác
bối rối hỏi rằng, sao lại thế, chẳng lẽ mọi thứ ở cõi trần gian này không phải
thuộc về Thượng Đế hay sao, hay là còn có cấp bậc nào và lĩnh vực nào của cuộc
sống là độc lập với Thượng Đế chăng? Vậy tức là, - tựa hồ như trái với lời răn
dạy của Đức Kitô, - không những là có thể, mà thậm chí còn phải “phục vụ cho
cả hai ông chủ” hay sao?
Tất nhiên, có thể trả lời ngay rằng quyền lực của Caesar không phải là cấp
bậc độc lập với Thượng Đế (không những vị tông đồ Paul thừa nhận như thế ở
một đoạn văn nổi tiếng của chương 13 thư gửi những người La Mã, mà ngay cả
chính Đức Kitô trong những lời nói với Pilate cũng vậy). Như vậy vấn đề ở đây ít
nhất cũng không phải nói về hai loại phục vụ đồng đẳng, cùng giá trị và độc lập
với nhau cho “hai ông chủ”, mà nói về mối tương quan nào đó khác, phức tạp và
tinh tế hơn. Thế nhưng giải thích này dù sao vẫn chưa xóa bỏ được nghịch lí. Cứ
cho là “trả lại cho Caesar cái của Caesar” là chúng ta làm theo ý chí của chính
Thượng Đế và trong ý nghĩa đó bằng hành động này chúng ta tựa hồ như đang
phụng sự cho Thượng Đế. Tuy nhiên khi đó sẽ xuất hiện câu hỏi: tại sao phụng sự
cho Thượng Đế lại không thể là chuyện đơn giản, đồng nhất ở nội tâm, mà lại
cho phép và thậm chí đòi hỏi phải phân chia ở trong bản thân mình phải tuân
phục theo hai cấp bậc khác biệt đến thế về chủng loại, như là Thượng Đế và
“Ceasar”?
Nghịch lí đặc biệt là hiển nhiên, nếu tính đến cơ sở tư tưởng mang lính lịch
sử của vấn đề đã tìm được sự phân giải ở trong những lời nói ấy của Đức Kitô.
Bởi Đấng cứu thế, cứu tinh của dân tộc Do Thái được Thượng Đế phái xuống để
thực hiện Vương quốc Thiên Chúa, không những theo trình bày của những người