4. Hai thế giới. “tinh thần” và “xác thịt”
Giải thích tính lưỡng diện nền tảng ấy của hiện hữu Kitô giáo, tức là đưa ra
một phân tích sao cho nó trở nên “dễ hiểu” đối với chúng ta, khiến cho nó trở nên
sáng sủa, mở ra cho chúng ta tính tất yếu logic của nó, - điều này là bất khả dĩ.
Tính lưỡng diện này theo thực chất của nó là nghịch thường, thuộc về lĩnh vực
của sự thật cao cấp siêu lí tính mà trí tuệ tiếp thu nó như một thống nhất của các
định nghĩa mâu thuẫn nhau. Vì vậy chỉ có thể xác nhận nó như sự kiện - nói về
nó: “quả thực nó như vậy”, chối từ mưu toan bất khả thi thấu hiểu hay giải thích
nó. Tuy nhiên có thể với trợ giúp của một số biểu tượng và những tương tự nào
đó để dẫu sao cũng mô tả tính lưỡng diện ấy chính xác hơn, thâm nhập vào nó
sâu sắc hơn và làm cho chúng ta sáng tỏ được những gì gắn liền với nó hay là dẫn
xuất ra từ nó.
Ý tưởng biểu tượng đầu tiên được đưa ra cho chúng ta ở đây và đặc biệt
được đề xuất trong kinh Phúc Âm và trong những bức thư của Yoan, ấy là ý
tưởng về “hai thế giới”. Chúng ta cũng đã nhiều lần sử dụng nó. Linh hồn của
chúng ta đồng thời thuộc về hai thế giới, là thành viên tham gia vào hai thế giới -
“thế giới này” và “thế giới kia”. “Thế giới này” là thế giới mà con người sinh
sống, hành động và cảm xúc, thấm đẫm tội lỗi và ở dưới quyền lực của quỷ dữ -
“chúa tể cõi trần gian này”. Vì vậy “thế giới này” về nguyên tắc là thù địch với sự
thật của Đức Kitô và đối nghịch với nó. Những người theo Do Thái giáo ngoan
cố trong việc không tin, Đức Kitô nói trong ý nghĩa này: “Các anh là thuộc tầng
thấp kém, Tôi thuộc tầng cao hơn, các anh thuộc về cõi trần gian này, Tôi không
thuộc về cõi trần gian này” (Phúc Âm, Yoan. 8, 3). Vì vậy cũng nói rằng: “Căm
ghét linh hồn của mình ở thế gian này thì sẽ giữ được nó cho cuộc sống vĩnh
hằng” (Phúc Âm, Yoan, 12, 25). Thế gian (thế gian “này”) “không biết đến Tinh
thần của chân lí” (Phúc Âm, Yoan, 14,17). Các tông đồ được dạy phải nhớ rằng,
nếu “cõi trần gian” căm ghét họ, thì điều đó là vì trước họ thì nó đã “căm ghét”
chính Đức Kitô (15,18). Cũng vị tông đồ này bàn về thế gian này ở trong bức thư
đầu tiên nói rằng, nó “toàn bộ nằm trong cái ác” (5,19); và những người tin vào
Đức Kitô được hiệu triệu “không yêu quý cõi trần gian, cũng không yêu quý
những gì ở trong cõi trần gian” (2,15).