Pushkin nói như vậy về lầm lẫn này. Độ nóng của một cọng rơm đang âm ỉ
cháy có thể gây ra đám cháy thiêu trụi kinh khủng, ánh sáng của Mặt trời có thể
lại không đủ sức thắp lên ngọn lửa hay thậm chí không thể xuyên qua cánh cửa
chớp. Nhưng dù sao thì cọng rơm vẫn là cọng rơm, còn Mặt trời vẫn là Mặt trời,
và cọng rơm cháy chẳng có được một phần triệu năng lượng vốn đặc trưng cho
ánh sáng Mặt trời.
Thực ra ở trong những lĩnh vực không bao hàm chiều sâu cuối cùng ấy của
hiện hữu vốn được khai mở ra cho trải nghiệm tôn giáo, thì khác biệt giữa sức
mạnh ngoại tại hời hợt và sức mạnh bên trong thực sự sâu sắc thường bộc lộ ra ở
khác biệt giữa tác động nhanh nhưng nhất thời và tác động chậm nhưng dài lâu.
Điều này cũng áp dụng được cả cho lĩnh vực vật thể lẫn lĩnh vực thuần túy tinh
thần của con người. Ngọn lửa của cọng rơm có thể tạo ra đám cháy, nhưng bản
thân nó, một khi đã bùng cháy rồi thì sẽ lập tức tắt ngay; mặt trời trải qua hàng
triệu năm chiếu sáng, sưởi ấm và làm cho trái đất có sự sống; những người nổi
tiếng của ngày hôm nay, chinh phục được cả thế giới [thán phục mình] sau một
thời gian ngắn lại bị lãng quên, tựa hồ như chưa khi nào từng có mặt; thiên tài
theo thời gian sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn mãi. Qua so sánh với điều này,
khác biệt giữa sức mạnh bên trong và bên ngoài ở cái chiều sâu cuối cùng của
hiện hữu, vốn là chiều sâu khai mở ra cho trải nghiệm tôn giáo, không thể được
xác định một cách đơn giản như thế được. Sức mạnh bên trong của Ánh sáng bộc
lộ ra một cách thường nghiệm ở trong chuyện, là mặc dù những thất bại và tình
trạng yếu ớt của nó ở cõi trần gian, nó vẫn là “ánh sáng không lụi tàn, không bao
giờ tắt” và bóng tối không thể bắt được nó và dập tắt nó đi. Còn về tác động tích
cực của nó ở cõi trần gian, thì ở đây nó hoàn toàn không được đảm bảo và cả ở
trong tương lai nữa, để có được một thành công quyết định vẻ bề ngoài. Sức
mạnh của nó trong ý nghĩa tính hiệu quả biểu lộ ra không ở chiều rộng ảnh hưởng
của nó, mà là ở cường độ của nó. Người nào thực có được nó, người nào trong
nội tâm được ánh sáng ấy thâm nhập vào, thì như vậy người đó có được suối
nguồn hùng mạnh vô bờ mà không sức mạnh ngoại tại nào khắc phục nổi; điều
này bộc lộ ra ở tính kiên cường bất khuất của người đó, ở khả năng của người đó
đạt được chiến công siêu nhân. Đó chính là tác động của cái năng lượng tinh thần
mà chúng ta gọi là sức mạnh đạo đức. Như chúng ta đã từng nhắc đến, Kant trong
ngôn ngữ các khái niệm của mình đã có ý nói đến nó, khi ông bảo rằng, như một
sức mạnh lí tưởng của nghĩa vụ, theo chính bản thân thực chất của nó, là hùng
mạnh toàn năng nên vì thế mà kiềm chế được mọi sức mạnh hiện thực; ở đây tác
động quy tắc: “anh phải làm, hệ lụy là, anh có thể”.