gìn trong chiều sâu linh hồn của mình cuộc sống ở trong Thượng Đế, tách rời
khỏi thế gian, tức là thực hiện cả chức năng của “các tu sĩ” một cách vô hình.
Nếu như niềm tin Kitô giáo đưa ra tính thánh thiện chung, thì trong ý nghĩa đó
niềm tin ấy cũng đưa ra một “tính tu sĩ toàn thể” nào đó không nhìn thấy được,
nhưng khả dĩ thực hiện được ở trong những chiều sâu của linh hồn. Trong cõi
trần gian măi mãi vô đạo thì mỗi Kitô hữu trong một ý nghĩa nào đó cũng cần
phải là “tu sĩ”.
Việc đồng nhất hóa khá phổ biến về tính lưỡng phân được chúng ta đề cập
đến với khác biệt giữa đời sống “tôn giáo” của con người và phần đời sống còn
lại, đời sống “thế tục” của nó, hay là với khác biệt - theo trật tự mang tính tập thể
- giữa “giáo hội” (hiểu như hội đoàn hay tổ chức của các tín đồ) và các sức mạnh
thế tục của nhà nước, chính trị, văn hóa thế tục v.v., [việc đồng nhất hóa ấy] cũng
không xác đáng. Theo quan điểm này thì Kitô hữu là Kitô hữu chỉ là do anh ta
cống hiến sức lực và thời gian cho “đời sống tôn giáo” - vì lẽ anh ta cầu nguyện,
giữ gìn khổ hạnh, đi lễ nhà thờ v.v.; ngoài phạm vi đó ra, con người không còn là
“Kitô hữu” nữa, mà là người thừa hành một chức năng thế tục nào đó - quân
nhân, hay là quan chức, hay là thương nhân, hay là bác học v.v. và “giáo hội Kitô
giáo” chỉ là một trong các cấp bậc và sức mạnh của thế gian - ở bên cạnh với gia
đình và nhà nước, các công đoàn nghề nghiệp, hoạt động thương mại, công
nghiệp, khoa học, nghệ thuật v.v.
Tuy nhiên, thực ra “đời sống tôn giáo” của Kitô hữu không phải là lĩnh vực
mang tính bộ phận nào đó ở đời sống và hoạt động của anh ta, mà chính là hiện
hữu của anh ta. Lẽ tất nhiên hiện hữu ấy có trung tâm và vùng ngoại vi của nó,
nhưng năng lượng tinh thần phát ra từ trung tâm của nó mang tính phổ quát và
thấm sâu vào toàn bộ cuộc sống của Kitô hữu, trong toàn bộ sự đa dạng của các
lĩnh vực và các biểu hiện của nó. Dù Kitô hữu có làm gì, có hướng hoạt động của
mình vào đâu, - thì trong mọi chỗ và mọi công việc anh ta vẫn phải là Kitô hữu,
anh ta phải làm mọi chuyện một cách “tôn giáo”, phù hợp với các đòi hỏi của sự
thật Kitô giáo. Bởi vậy mà trong trật tự mang tính tập thể, “giáo hội” không phải
là một trong nhiều cấp bậc hay nhiều sức mạnh của đời sống xã hội; chỉ từ bên
ngoài nhìn vào mới tưởng là thế, tức là khi ý thức tiếp nhận hướng đến thế giới
vật thể và trong nội tâm không bắt rễ vào tính hiện thực của giáo hội. Theo thực
chất bên trong thì giáo hội là khả thể của vương quốc Thiên Chúa lưu trú ở thế
gian này, ở đó Thượng Đế là “mọi thứ và ở trong mọi thứ”; trong khi là sự thống
nhất của nhân loại sùng tín và được cứu độ, là “thân xác của Đức Kitô”, giáo hội